Những ngày tựu trường đang tới gần, và hẳn không ít bạn học sinh - sinh viên mới đặt chân tới Pháp vẫn còn bỡ ngỡ và bị choáng ngợp bởi bầu không khí học tập mới mẻ nơi đây. Môi trường đại học đầy năng động với những buổi tiệc đầu năm hấp dẫn khó lòng bỏ lỡ khiến hầu hết chúng mình đều mê mẩn, rồi đến cả những món quà chào đón tân sinh viên đẹp mắt mà chỉ nhìn thôi đã yêu luôn. Nhưng mình chắc chắn rằng, bên cạnh những buổi vui ấy, ai cũng mang trong mình một chút lo lắng về cuộc sống đại học chỉ vừa mới bắt đầu. Vào năm học thì cần phải làm gì nhỉ? Cần chú ý những gì để có thể đạt kết quả tốt đây? Làm thế nào để cân bằng giữa vui chơi, học tập và các hoạt động cuộc sống khác? Hàng loạt câu hỏi hẳn được đặt ra trong đầu các bạn ấy nhỉ.
Ngày hôm nay, chúng mình xin gửi tới một vài lời khuyên, về những tâm lý cần có khi du học để có một cuộc sống cân bằng và tích cực hơn! Chúng ta cùng bắt đầu thôi!
1. Đừng ngại ngùng vì khả năng ngôn ngữ của bản thân
Có rất nhiều bạn ngần ngại vì tự cho rằng khả năng tiếng Pháp hay thậm chí là tiếng Anh của mình là kém, bởi vậy tự hạn chế bản thân không giao tiếp với các bạn xung quanh. Nhưng đó thật sự là điều không nên đâu đấy! Bởi bạn biết không, những người Pháp bản ngữ hoàn toàn có thể thông cảm cho bạn vì những lỗi sai mà bạn mắc phải, bên cạnh đó, họ còn sẵn sàng nói chậm để bạn dễ hiểu hơn, hoặc sửa lỗi giùm để bạn có thể nói tốt hơn trong tương lai nữa đấy. Đừng bởi vì sợ mắc lỗi mà tự tạo khoảng cách giữa bản thân và mọi người! Những bạn bè Pháp xung quanh đều biết rằng bạn đang rất cố gắng sử dụng tiếng Pháp đấy, và họ không bởi bạn nói sai mà coi thường hay chê cười bạn đâu! Tin chúng mình đi!
Khi bạn tự tin giao tiếp mặc kệ những lỗi về ngữ pháp cũng như phát âm, ấy là lúc mà bạn có thể kết thêm được nhiều bạn mới hơn, từ bạn bè người Pháp tới những bạn đến từ các quốc gia khác. Và việc bạn giao tiếp nhiều hơn cũng góp phần làm tăng trình độ tiếng Pháp của bạn đó!
2. Cởi mở với những lời nhận xét
Đừng để những lời nhận xét khiến bạn tự ti, chán nản hay nhụt chí! Đôi khi người nói không hề có ý định đánh giá, mà đơn thuần chỉ muốn góp ý để bạn tốt hơn mà thôi. Đơn cử là ví dụ trong việc giao tiếp tiếng Pháp mà chúng mình đã nói ở trên. Hãy coi ấy là những lời chia sẻ của người xung quanh giúp bạn phát triển hơn, và bạn hoàn toàn có thể áp dụng vào cuộc sống của bản thân nếu thấy điều ấy là hợp lý.
Những lời nhận xét của người khác không xác định giá trị con người bạn, mà ấy chỉ là cách bản thân người ta đang nhìn nhận hành động của bạn mà thôi. Có thể có những lời nhận xét từ người khác mà cá nhân bạn cho là không hợp lý lắm, nhưng cũng hãy cởi mở với những điều ấy, đừng lập tức phủ nhận mà hãy biết cách tiếp thu. Biết đâu đấy, chúng lại có ích với bạn sau này thì sao!
Chúng mình biết rằng đối mặt với những lời nhận xét, nhất là những lời lẽ tiêu cực là một điều rất khó khăn. Nhưng đặc biệt ở môi trường du học, đó lại là những điều bạn có thể bắt gặp khá thường xuyên. Thế nên, hãy cởi mở để nhìn nhận những lời nhận xét theo một hướng tích cực hơn nhé.
3. Tự túc trong việc tìm kiếm thông tin
Cuộc sống du học và nhất là du học bậc đại học, đồng nghĩa với việc bạn phải có tâm lý tự lập. Tự túc trong việc tìm kiếm các thông tin là một điều không thể thiểu. Giờ đây, với sự phát triển của Internet, bạn có thể dễ dàng tìm được mọi thông tin cần thiết chỉ sau vài cú click chuột.
Có nhiều bạn trẻ ỷ lại vào việc có người quen bên cạnh nên có tâm lý nhờ vả cũng như hay hỏi những điều mà chỉ cần lên mạng đều có thể tìm ra. Và trên thực tế, việc đó không hề có lợi cho mối quan hệ lâu dài giữa đôi bên. Đôi khi, riêng việc bạn chờ câu trả lời từ người kia đã lâu hơn thời gian bạn có thể thấy câu trả lời trên Internet rồi đó. Hơn nữa, thử đặt mình vào vị trí của người bị hỏi mà xem, dù ấy có thể là một người rất tốt bụng, nhưng đôi khi họ cũng cảm thấy phiền hà vì bị hỏi những câu hỏi quá ngây ngô đấy nhé!
Tốt hơn hết, là hãy chủ động tự túc trong việc tìm kiếm mọi thông tin, và nếu không thể tìm thấy thì hẵng bắt đầu đặt câu hỏi. Bằng cách đó, bạn có thể trở nên tự lập hơn nhiều, và cũng duy trì được cho bản thân những mối quan hệ tốt đẹp bền vững lâu dài hơn đấy.
4. Chủ động tập trung vào việc học
Cần xác định rõ ràng ngay từ đầu, rằng bạn tới đây là để du ‘học’ và điều bạn cần tập trung nhất, đó chính là việc ‘học’ làm sao cho tốt nhất, để có thể nhanh chóng ra trường và bắt đầu đi làm. Việc bị sao nhãng bởi tiệc tùng bè bạn, du lịch giải trí là một điều rất dễ hiểu, nhưng hãy xác định tâm lý từ sớm để không để những thứ xung quanh làm bạn sao nhãng khỏi mục tiêu chính : tốt nghiệp đại học!
Chúng mình biết rằng có nhiều bạn cần làm thêm để trang trải cho việc học hành vì cần lo lắng về vấn đề kinh tế, nhưng nên biết chú ý để cân bằng giữa học tập, vui chơi và làm việc, để có thể có được kết quả học tập tốt nhất nhé! Bạn cũng hoàn toàn có thể đi làm vào những tháng hè, để có thể có thêm chút kinh phí chi trả cho cuộc sống cá nhân, vui chơi giải trí và cả học tập!
Pháp là một trong số những quốc gia hợp pháp hóa việc làm thêm khi còn đi học, nhưng đừng để ấy trở thành nguyên nhân khiến bạn trượt môn và phải học lại nhiều lần! Hãy nhớ rằng sau khi bạn ra trường, thì số tiền bạn kiếm được sẽ khá và ổn định hơn nhiều so với khi là sinh viên. Việc bạn học lại nhiều lần cũng sẽ tiêu tốn của bạn một chi phí không hề ít. Nên tại sao không tập trung vào việc học, để sớm ra trường và kiếm cho mình một công việc hợp lý nhỉ?
Và trên đây là những lời khuyên về một vài tâm lý cần có khi du học mà chúng mình muốn gửi tới cho mọi người! Hy vọng rằng các bạn có thể áp dụng những lời khuyên này vào cuộc sống, để có cho mình một môi trường du học thật lành mạnh và tích cực!
Chúc các bạn một năm học mới thật là vui!
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments