top of page
  • Writer's pictureartplasrenseignement

Cẩm nang Tránh ngáo và Chống lạc dành cho Du học sinh mới !

Updated: Oct 27, 2021



Năm học mới đã tới rồi và hẳn là có không ít bạn mới qua du học vẫn còn rất bỡ ngỡ không biết phải làm gì để đỡ ‘ngáo’ khi tới vùng đất mới cũng nhớ tránh đủ thứ ‘lạc’ - từ lạc đường lạc lối tới thất lạc giấy tờ đồ đạc và lạc đủ loại thông tin. Đừng lo vì đã có chúng mình đây rồi! Với kinh nghiệm gần chục năm du học và hướng dẫn rất nhiều bạn bè mới sang, tụi mình đã rút ra được một vài việc nên làm khi mới sang du học, và thế là ‘Cẩm nang Tránh ngáo và chống lạc’ đã ra đời!


Trong cẩm nang này, chúng mình sẽ tổng hợp lại vài điểm mà chúng mình nghĩ là sẽ giúp ích nhiều cho đời sống du học của bạn, để bạn trông ‘ngầu’ hơn trong mắt bạn bè đó nha. Cẩm nang phần này liên quan nhiều đến việc tới trường lớp và học hành, nhưng nếu muốn đọc thêm vài lời khuyên về cuộc sống thường ngày, đừng ngại để lại cho chúng mình một tin nhắn nhé.


Còn bây giờ, cùng ghi lại những điều tụi mình khuyên làm khi mới đi du học nhé! Các ‘tu


yệt chiêu’ be bé này sẽ có ích với bạn đến không ngờ luôn đấy. Tin chúng mình đi! Và nào, chúng mình cùng đến với…





Tránh ngáo và chống lạc #1 : Nắm rõ bản đồ trường


Khi đã ổn định được nhà cửa để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi học và đã hoàn thiện việc đăng ký nhập học rồi, điều đầu tiên mà chúng mình khuyên các bạn nên làm, chính là đi tham quan mọi địa điểm trong trường theo bản đồ. Ngày nghỉ rảnh rang tội gì không dạo bộ một tí, mà thay vì đi đâu xa thì tới trường ngay thui nà! Các bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm bản đồ của trường trên mạng, hoặc tại văn phòng thông tin, thường đặt ở ngay gần cổng chính của trường.


Việc biết được rõ các địa điểm phòng học và giảng đường trong trường giúp bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian khi vào năm học chính. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện bạn đọc thông báo số phòng tập trung và chẳng biết nó ở đâu nữa! Và nhé, có một điểm vô cùng dở hơi là khi đi học ở Pháp, tình huống đổi phòng học đột xuất rất thường xuyên xảy ra. Và nếu bạn đã biết rõ trước các địa điểm rồi thì chẳng còn gì phải lo lắng nữa!


Biết trước phòng học cũng là một cách giúp các bạn có thể kết thêm một vài người bạn mới nữa đấy. Thử tưởng tượng sau buổi tập trung ở giảng đường là buổi học ở phòng nhỏ và đám gà mờ mới vào trường chẳng biết cái phòng đó ở đâu trừ bạn. Và thế đó, bạn sẽ trở thành một bạn gà mờ dẫn đầu cả đoàn mà ai cũng phải ngưỡng mộ và muốn trò chuyện cùng!


Vừa ngầu lại vừa không ‘đậu phộng’! Quá là xịn xò luôn!




Tránh ngáo và chống lạc #2 : Thử tới trường bằng nhiều đường khác nhau


Thử tưởng tượng sau khi bạn đã nắm gọn sơ đồ trường trong tay, nhưng ngay ngày thứ hai mà bạn phải tới trường thì tàu điện ngầm đình công, và thế là bạn phải tốn siêu nhiều thời gian mới có thể tìm được cách tới trường, để rồi lỡ nguyên một buổi giới thiệu môn học vô cùng quan trọng. Nghe cũng hơi đáng lo phải không nào!! Vậy nên, để điều này không bao giờ xảy ra, chúng mình có tip #2 : Thử đi từ nhà tới trường bằng ít nhất 2 cách khác nhau.


Đình công ở Pháp là không hề hiếm gặp, bên cạnh đó, vào những ngày thời tiết khắc nghiệt thì tại một vài thành phố nhỏ cũng có hiện tượng phương tiện công cộng ngừng hoạt động. Việc biết cách đi tới trường bằng nhiều phương tiện khác nhau, như đi xe đạp, đi bộ nếu có thể, hoặc nhiều tuyến xe khác nhau có thể giúp bạn dễ dàng khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, với việc tìm hiểu nhiều cách đến trường khác nhau, bạn có thể một công đôi việc biết thêm một chút về thành phố mà mình đang sống, chứ không chỉ ngày ngày đi tuyến xe nhàm chán từ trường về nhà.


Mới đi du học thì thăm thú thành phố bằng cách này cũng vui mà!




Tránh ngáo và chống lạc #3 : Nhớ rõ vị trí phòng giáo vụ và thư ký khoa


Sau khi đã nắm chắc trong tay đủ loại đường tới trường và đủ mọi vị trí phòng học chính và giảng đường rồi, thì có một căn phòng nữa mà bạn nên nhớ ghé qua, đó chính là phòng giáo vụ, phòng thư ký cho khoa của bạn, đặc biệt lưu ý với những ai học hệ Université nhé. Tại phòng giáo vụ, bạn có thể tới hỏi trực tiếp về cách nộp các loại giấy tờ quan trọng, thời khóa biểu hay thậm chí là hỏi thông tin liên lạc của giáo viên khi cần.


Tại hệ Université, mỗi khoa lại có một phòng thư ký khác nhau, và đôi khi nằm ở những vị trí khác nhau nữa. Không dễ gì để tìm được phòng thư ký khoa giữa một hành lang dài đủ các loại phòng ban, mà chữ trên cửa có khi còn ghi bé tí. Việc ghé thăm phòng thư ký khoa cũng giúp bạn có thể nắm rõ hơn về thời gian biểu làm việc của phòng, thường được gắn ngay trên cửa, để tránh trường hợp có việc gấp tìm tới mà lại chẳng gặp được ai.




Tránh ngáo và chống lạc #4 : Khám phá từng ngóc ngách của web trường


Tới trường đủ rồi, giờ thì ngồi nhà lên mạng một tí thôi! Và lần lên mạng này không phải là để chơi đâu nhé. Đầu tiên, hãy tham khảo từng ngóc ngách trên trang web của trường thôi nào.


\húng mình biết rất nhiều trường hợp các bạn đã vào học rồi nhưng không thông thạo việc tìm kiếm các thông tin trên trang web trường, và đây chính là một điểm thiệt thòi cực to đấy. Trên web trường, các bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm rất nhiều thông tin hữu ích cho năm học, ví dụ như lịch học cả năm, bao gồm ngày tựu trường, thời gian thi cử và các đợt nghỉ lễ . quy chế thi cử ; bản giới thiệu chi tiết về ngành học của bạn, bao gồm giới thiệu về khoa cũng như đầu ra hay bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp, bên cạnh đó là giới thiệu về những gì sẽ được học tại khoa ; thậm chí, bạn còn có thể tìm được CV đầy đủ của

Có một vài thông tin bạn chỉ có thể truy cập sau khi có số thẻ học sinh, nhưng cũng không thiệt gì khi tìm hiểu trước một chút mà phải không nào? Rồi khi nào có đầy đủ số thẻ và mật khẩu thì lại tìm hiểu tiếp!




Tránh ngáo và chống lạc #5 : Tham gia các hội nhóm Facebook sinh viên khu vực


Sẵn tiện đang online, thì tìm gia nhập ngay group Facebook của sinh viên trường thôi nào! Không nhất thiết phải là group của du học sinh Việt đâu, mà là group của tụi Pháp luôn ấy nhé! Vào lẹ để còn cập nhật thông tin cho năm mới chứ, biết đâu đã có người chia sẻ về các group nhỏ của từng khoa hoặc của khóa mình rồi cũng nên! Và nếu tìm thấy mấy group nhỏ đó thì cũng vào lẹ luôn chứ ngại gì!


Tham gia vào các group Facebook của sinh viên trường, các bạn sẽ còn được cập nhật về những buổi chào đón sinh viên với các hoạt động đầy thú vị, của cả trường và thậm chí là của từng khoa. Bên cạnh đó, bạn sẽ không bỏ lỡ những hoạt động ngoại khóa đầy thú vị của các hội nhóm sinh viên khác nhau, hay thậm chí là những buổi phát quà miễn phí đầu năm nữa đấy!


Tại các nhóm này, các bạn cũng hoàn toàn có thể đăng bất cứ câu hỏi nào mình cần, và chỉ cần chờ một xíu thôi là sẽ có câu trả lời ngay! Chỉ một cú click và quá là nhiều thông tin hữu ích đúng không nào!




Tránh ngáo và chống lạc #6 : Tìm hiểu và lắng nghe thông tin từ các nguồn tin cậy


Sau khi tham gia các hội nhóm thì chính là lúc để chúng mình bắt đầu tìm hiểu thông tin thôi. Từ mua đồ ở đâu thì rẻ, đến cách có thể nhận được những ưu đãi sinh viên tại chính khu vực nơi bạn theo học như thế nào. Nhưng có một điều cần chú ý, là du học sinh mới chúng mình thường là đối tượng mục tiêu của các thành phần có ý định trục lợi, từ chính sự ngây ngô của các bạn đấy!


Không ít bạn du học sinh mới còn bỡ ngỡ đã gặp bất lợi và chịu thiệt thòi chính vì sự ngây thơ và tin người của bản thân. Nhiều lúc, những cá nhân bất hảo lấy danh nghĩa ‘giúp đỡ’ và dùng lời ngon ngọt để lừa ‘những chú cừu non’ vào tròng. Vậy nên phải thật chú ý trước bất cứ thông tin mời gọi nào mà bạn nhận được nhé!


Trước khi đưa ra quyết định quan trọng nào, nhất là có liên quan tới vấn đề kinh tế (như thuê nhà, mua đồ đắt tiền, mua khóa học, nhận việc làm thêm, v.v), hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ, và lắng nghe thông tin từ các nguồn đáng tin cậy nhất. Nếu còn nghi ngờ, hãy liên hệ những cá nhân và tổ chức có kinh nghiệm trong cộng đồng để bổ sung thông tin. Bạn hoàn toàn có thể đặt câu hỏi trên các nền tảng cộng đồng để có thể hiểu thêm về vấn đề mà mình quan tâm!




Tránh ngáo và chống lạc #7 : Ghi nhớ các địa chỉ mua đồ ăn gần trường


Khi mà đói bụng là mình sẽ mết mền mệt và chẳng làm gì nên hồn luôn đúng không nào? Nhiều khi chẳng còn tí sức nào mà tập trung học tập luôn ấy! Thế nên là lúc nào cũng phải nhớ chuẩn bị sẵn tiền mua đồ ăn hoặc mang theo đồ đấy nhé! Chúng mình biết là để tiết kiệm thì có nhiều bạn du học sinh mới tự nấu đồ ở nhà rồi mang đi học mà.


Nhưng bỗng nhiên một hôm mình quên mang đồ ăn mà không biết chỗ nào ăn uống ở gần trường là ‘thảm họa’ sẽ xảy ra đấy! U là chời một buổi chiều học cả 4 ca mà bụng đói móp meo thì làm sao mà học tốt được! Hoặc tưởng tượng ràng cantine trường thì đông nghịt mà bạn chỉ có hơn 1 tiếng để ăn trưa, xếp hàng không thể nổi luôn! Và rồi lại phải vào ca chiều với một chiếc bụng đói. Mà với thời gian ít ỏi như thế thì khó mà đi ăn hàng hay là gọi đồ ăn tới trường!

Để tránh trường hợp này xảy ra, nhớ chủ động tìm kiếm vài địa điểm mua đồ ăn nhanh ở gần trường nhé. Ví dụ như một cantine phụ ít người hơn, một siêu thị hay cửa hàng tiện lợi nào đó, hoặc một cửa hàng đồ ăn nhanh mua đồ mang đi chẳng hạn.


Nhớ đừng vào học với một chiếc bụng đói meo nghe chưa, vừa không tốt cho việc học tập, lại không tốt cho sức khỏe tí nào đâu!




Tránh ngáo và chống lạc #8 : Ghi nhớ các địa chỉ in ấn quanh trường


Thời gian mới sang du học là lúc mà chúng ta vẫn còn gặp rắc rối với đủ loại giấy tờ, cũng như thường xuyên phải photo, in ấn đủ thứ loại tài liệu và bài tập. Một vài địa chỉ photocopie trong hoặc gần trường là một điều nên nhớ để tiết kiệm thời gian của chúng mình đấy. Và nhớ là ‘một vài’ chứ không phải chỉ ‘một’ địa chỉ duy nhất đâu nhé. Chẳng hạn như trong trường bạn có nhiều điểm in, thì nên nhớ một hai điểm in gần nhau, để chẳng may có một nơi không in được thì đi sang nơi khác. Còn nếu trong trường không in ấn được thì mình chủ động tới các địa chỉ khác gần trường.


Thử tưởng tượng là bạn chỉ có 1 tiếng buổi trưa để ăn uống và in một tài liệu quan trọng cho tiết buổi chiều, và chỉ biết mỗi một chỗ photocopie, nhưng tới nơi thì chỗ đó bị hỏng. Vậy là bạn vừa tốn công mà lại không làm được việc gì. Rồi còn ảnh hưởng tới bài học buổi chiều nữa chứ! Tệ quá luôn đúng không nào! Hoặc là bỗng dưng bạn nhận được buổi hẹn gấp với trường để bổ sung giấy tờ quan trọng, thì thật quá là tiện nếu có thể đi in và nộp luôn trong ngày ấy chứ!


Đừng để một vài chi tiết nho nhỏ như vậy làm ảnh hưởng tới việc học tập và làm việc của bạn nhé!




Tránh ngáo và chống lạc #9 : Quan trọng nhất, là quan tâm tới sức khỏe của chính bản thân mình


Đây chính là điều mà chúng mình thực sự muốn nói nhất với tất cả các bạn du học sinh mới, hay nhiều hơn, là với tất cả cộng đồng du học sinh.


Chúng mình biết rằng du học sinh chúng ta luôn cố gắng hết sức để theo đuổi ước mơ phía trước và xây dựng tiền đề cho tương lai bằng cách học tập và làm việc hết mình trong hiện tại, nhưng có một điều mà ít người nhận ra, đó chính là sức khỏe mới là thứ cần có nhất để ta có thể làm mọi việc. Nhất là đối với các bạn du học sinh mới, việc chênh lệch múi giờ, khác biệt ngôn ngữ - văn hóa và những căng thẳng khi phải sống độc lập với gia đình, tự mình xử lý mọi vấn đề khiến cho các bạn chẳng còn thời gian để ý tới sức khỏe bản thân nữa.


Nhưng, từ sức khỏe thể chất cho tới sức khỏe tinh thần, phải duy trì chúng thật tốt thì bạn mới có thể thành công làm việc hiệu quả đúng không nào? Đừng quá tập trung học để rồi bỏ bê ăn uống, đừng để bản thân chịu đựng một mình những căng thẳng và mệt mỏi khi một thân một mình nơi đất khác để rồi khiến tâm lý bị tổn thương. Khi bạn lớn hơn, bạn sẽ nhận ra sức khỏe quan trọng tới thế nào.


Tất cả những lời khuyên của chúng mình, là để bạn có thể tiết kiệm thời gian hơn, và dành thời gian đó đầu tư cho thể chất và tâm lý của bản thân. Tập thói quan ăn uống lành mạnh, hoạt động thể dục thể thao, và quan trọng nhất là duy trì cho tinh thần thật tích cực. Đừng ngần ngại chia sẻ những tâm tư, những nỗi buồn bực cho những người thân đang ở cách xa bạn hàng trăm cây số, bởi vì tin chúng mình đi, ít nhất sẽ có người thông cảm và thấu hiểu cho bạn mà. Còn không, thì có chúng mình, và nhiều tổ chức vì du học sinh khác nữa, ở đây để lắng nghe.

.


Vậy là chúng mình xin tạm dừng Cẩm nang Tránh ngào và Chống lạc tại đây. Nếu muốn chúng mình tiếp tục hoàn thiện hơn cuốn Cẩm nang này, và viết thêm lời khuyên nho nhỏ nữa, thì đừng ngại để lại cho chúng mình một tin nhắn nhé!


Xin giới thiệu hai người bạn đã cùng chúng ta đồng hành trong ‘chuyến’ Cẩm nang lần này, đó chính là Anh bạn Ngáo và Cô bạn Lạc!


Hy vọng rằng chiếc cẩm nang be bé này của chúng mình có thể giúp các bạn có một cuộc sống du học tích cực và hiệu quả hơn!

.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas



61 views0 comments
Post: Blog2 Post
bottom of page