top of page
  • Writer's pictureartplasrenseignement

Học Nghệ thuật tại Pháp với ngân sách thấp là có thể!



Học phí ở các trường Nghệ thuật đôi khi thường cao hơn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nên nghĩ rằng lúc nào cũng khó để theo học Nghệ thuật, nếu xét về mặt tài chính. Hệ đào tạo công lập miễn học phí, chương trình học Alternance - vừa học vừa làm xen kẽ, học bổng, và những chương trình hỗ trợ đặc biệt… Đây là tổng quan về các giải pháp có thể sẽ dành cho bạn.

 

Các trường Nghệ thuật ứng dụng không chỉ dành riêng cho những sinh viên đến từ gia đình giàu có. Phần lớn các ngôi trường này đều mong muốn đạt tỷ lệ cao về số lượng sinh viên nhận được học bổng nhà nước dựa trên các tiêu chí xã hội, ví như Trường Thiết kế Nantes-Atlantique với chỉ tiêu 16% tổng số sinh viên. Nhưng ngay cả khi bạn không có học bổng, vẫn còn những giải pháp khác giúp bạn theo đuổi ngành học mơ ước mà không phá vỡ ngân sách.


Hệ thống đào tạo công lập gần như miễn phí


Nếu học phí của các trường tư thường dao động trong khoảng từ 5.000 đến 7.000 €/năm, thì hệ đào tạo công lập lại gần như miễn phí. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của họ. Ví dụ, chúng ta có thể kể đến trường Boulle, đứng đầu trong bảng xếp hạng các trường kiến trúc nội thất, ENSAAMA Olivier-de-Serres hay trường Estienne. Nhiều trường trung học công lập cũng cấp bằng BTS (Brevet de Technicien Supérieur - Chứng chỉ Kỹ thuật viên Cấp cao) và bằng DMA (Diplôme des Métiers d'Art - Văn bằng Nghề về Nghệ thuật) được đánh giá cao.


Tuy nhiên, bạn vẫn phải trả phí đăng ký nhập học, trừ khi nhận được học bổng. Tại ENSAD, lệ phí là 433€ cho năm học 2015-2016, cộng thêm 215€ phí An sinh Xã hội.


Đối với các trường Nghệ thuật ứng dụng, chi phí cho việc mua sắm dụng cụ học tập cũng nên được tính trong ngân sách của bạn và bạn phải thanh toán khoản này ngay khi đăng ký hoặc vào đầu năm học. Cũng không nên ước tính một khoản chi phí quá thấp cho hạng mục này. Trường Duperré khuyên rằng cần dành ra khoảng 150€ mỗi tháng để chu cấp cho việc mua dụng cụ.


Các chương trình hỗ trợ tài chính


Các trường tư đã thiết lập nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các dự thảo giảm học phí thường được thay thế cho các học bổng nhà nước dựa trên các tiêu chí xã hội, vì hệ thống trường tư thường không được hỗ trợ học bổng từ nhà nước (hoặc học bổng hạn chế). Ví dụ như tại ECV, ‘chương trình giảm học phí’ được hỗ trợ từ năm thứ 2 cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính, nếu họ siêng năng và đạt kết quả học tập tốt.


Hệ thống tương tự được áp dụng cho nhóm trường Condé, nơi trao tặng học bổng xuất sắc cho những học sinh tiềm năng nhất (35 người trong năm học 2015-2016); hay như Strate, trao học bổng nội bộ dựa trên các điều kiện tài chính của học viên, ngoài ra còn giảm học phí trong trường hợp có anh chị em học tại trường (lên đến 9000€).


Đầu năm học 2016, trường Camondo-Arts déco miễn học phí cho 10% sinh viên có học bổng nhà nước, có thể cộng dồn với học bổng của Crous. “Đây là một kiểu đầu tư cho sự phong phú và đa dạng của sinh viên”, Hiệu trưởng René-Jacques Mayer nhấn mạnh. Đây là một chương trình hỗ trợ đã tồn tại từ năm 2008, nhưng với số lượng có hạn. Giờ đây, có đến 3 mức học bổng khác nhau: hỗ trợ 25%, 50% hoặc thậm chí là 100% chi phí. Mà học bổng có thể xin được chỉ cần dựa trên các tiêu chí xã hội (như thu nhập, phân ly gia đình,...), và không giới hạn độ tuổi.


École Bleu cũng cung cấp những suất học bổng cho sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn về tài chính, số lượng giao động từ 2 cho đến 3% theo từng năm. Trường cũng đang nghiên cứu những khả năng tìm kiếm nguồn hỗ trợ mới. Hiệu trưởng Jean-Marie Lemesle nói rằng: “Chúng tôi đang cân nhắc thiết lập những suất học bổng được tài trợ bởi các công ty, đặc biệt là trong các lĩnh vực có vốn dồi dào, nơi tuyển dụng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường”.


Các trường tư cũng tăng cường hợp tác với các ngân hàng để dễ dàng nhận được các khoản vay sinh viên hơn. ECV là một ví dụ, hợp tác với ngân hàng BNP và Caisse d'Epargne; hay như Strate với LCL và Banque Populaire.


Kế hoạch tối ưu : Học Alternance (vừa học vừa làm)


Việc vừa học vừa làm còn khá hiếm khi học tập trong các trường nghệ thuật, nhưng một vài trường đã bắt đầu phát triển hình thức này, dù thường thì khả năng tìm được một công ty tuyển dụng sẽ khá khó khăn. Một trong số các cơ sở nổi tiếng về học Alternance có thể kể đến như CFA (Centre de Formation d’Apprentis - Trung tâm Đào tạo nghề) về các lĩnh vực truyền thông thị giác và đa phương tiện, tại Bagnole (93); hay trường Gobelins, nổi tiếng với đào tạo về thiết kế đồ họa. Lưu ý, chương trình học Alternance là một lựa chọn hấp dẫn - không phải trả học phí và có lương hàng tháng - nhưng cũng rất khắt khe.


Xin học bổng nhà nước dựa trên các tiêu chí xã hội


Nếu bạn là sinh viên trường công lập và dưới 28 tuổi, bạn có thể xin học bổng nhà nước dựa trên các tiêu chí xã hội do Crous từ các địa phương hỗ trợ. Nhưng nếu vừa học vừa làm sẽ không nhận được học bổng này.


Để có quyền áp dụng hình thức học bổng nhà nước, các trường Nghệ thuật tư thục phải nộp đơn xin phép và được công nhận bởi Bộ Giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu hoặc Bộ Văn hóa. Trường Thiết kế Nantes-Atlantique là một ví dụ, cũng như trường Rubika hay trường Émile-Cohl tại Lyon. Lưu ý, một số cơ sở sẽ không trao học bổng cho năm đầu dự bị.


.


Bài viết gốc “Faire une école d'art avec un petit budget, c'est possible!”, đăng tải trên L’Étudiant

Lược dịch bởi Artplas

.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas

Post: Blog2 Post
bottom of page