Mùa tìm thực tập đang đến gần và hẳn các trang tìm việc làm/tìm thực tập trực tuyên như LinkedIn, Joblift, Neuvoo,... hẳn không còn lạ lẫm gì với các bạn. Dù là các nền tảng trực tuyến đã được công nhận bởi cộng đồng, và có sự tham gia tuyển dụng của các công ty lớn như Hermès, Galerie Lafayette, Ouest-france,... nhưng cũng có không ít trường hợp lừa đảo khi tuyển dụng. Đặc biệt, đối tượng lừa đảo thường hướng đến các bạn sinh viên đang tìm thực tập, mới đi làm và không có nhiều kinh nghiệm.
Bản thân mình gần đây vừa trải qua một vụ ‘suýt’ bị lừa khi đăng kí tìm việc trên LinkedIn, nên hôm nay, mình xin phép chia sẻ để mọi người biết đường tránh và có thể tìm được cách giải quyết hợp lý khi gặp vấn đề.
Chuyện là đợt này đang tìm thực tập vị trí Graphiste, nên mình có tìm ở trên nhiều trang và đăng ký cũng khá nhiều. Sau đó, một bên tuyển dụng với tên OLA ENERGY REUNION có nhắn tin thông báo nhận đơn đăng ký. Điểm kì lạ là trong mẫu tuyển dụng của công ty trên LinkedIn (và mình còn tìm thấy ở một vài trang khác nữa) có ghi là tuyển Thực tập tại công ty, mẫu tuyển dụng viết cũng khá đầy đủ và chuyên nghiệp, rõ ràng về các nhiệm vụ cần làm cũng như thời gian làm việc, tuy nhiên đến khi trả lời đơn đăng ký của mình, công ty lại thông báo chỉ tuyển dụng làm một dự án duy nhất. Như mọi người có thể biết, thì với tư cách là graphiste (designer - thiết kế đồ họa) thì ở vị trí freelance, mọi người sẽ tính phí khách hàng theo sản phẩm. Vậy nên, vì chỉ có một dự án, họ gửi cho mình một danh sách sản phẩm và yêu cầu lên bảng giá chi tiết để họ đánh giá.
Mình đã cẩn thận tìm hiểu qua về công ty ngay khi được trả lời, thậm chí tìm thấy thông tin về Siège Social và mã số SIRET của công ty, địa chỉ gửi mail cho mình cũng là tên miền của công ty, nên lúc đó khá chủ quan và không nghi ngờ gì. Mình đã chuẩn bị cẩn thận bảng giá chi tiết, gửi kèm cả thông tin liên lạc cá nhân của mình.
Sau khi mình gửi mail bảng giá, công ty cũng trả lời lại rất nhanh. Họ đồng ý với bảng giá mình yêu cầu, thậm chí còn scan gửi mình bảng giá đã in, và ký tên đóng dấu đầy đủ như thật. Họ cũng yêu cầu mình gửi RIB để họ chuyển 50% số tiền kinh phí, và hứa gửi nốt 50% còn lại sau khi chốt sản phẩm. Sau đó mình có gửi họ RIB và cả bản câu hỏi để brief thiết kế, nhưng cũng thấy kì lạ là họ không bận tâm trả lời mình trong 2 ngày liên tiếp, mặc dù trong các mail trước thì hỏi khá nhiều về thời gian dự kiến để hoàn thành dự án.
Thế rồi trong chiếc mail tiếp theo mình biết ngay là MÌNH BỊ LỪA!!
Họ nhắn tin cho mình là họ nhập nhầm khoản phí chuyển trước, và khoản tiền gửi cho mình bị quá lên tầm 1000€ và yêu cầu mình chuyển trả lại ngay khi nhận được tiền của họ.
Vì đã gửi đầy đủ thông tin cá nhân của mình (có kèm trong CV bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại cá nhân) và RIB, nên lúc nhận mail mình khá lo lăng và cũng không biết cách xử lý như thế nào. Nhưng cũng may là nhận ra bị lừa sớm, nên mình nhắn mail ngay cho conseilleur ngân hàng để yêu cầu họ thông báo mình nếu có khoản tiền lớn nào chuyển vào tài khoản, và cũng kể qua cho họ về ngọn nguồn sự việc. May mắn là ngân hàng gọi điện trực tiếp lại cho mình trong ngày, và thông báo với mình là chỉ cần mình chưa chuyển lại tiền cho công ty lừa đảo kia, thì không có gì nghiêm trọng cả. Chị conseilleur còn rất dễ thương hỏi thăm về tình trạng tâm lý của mình, bảo rằng đợt này cũng nhiều bạn sinh viên bị lừa như vậy và có nhiều bạn thật sự chuyển tiền cho họ và đang trong quá trình giải quyết.
Chị ấy cũng cho mình một vài tips cần nhớ để đảm bảo an toàn tài khoản ngân hàng của bạn :
Không công ty nào có quyền yêu cầu RIB của bạn khi bạn chưa thực sự làm việc cho họ. Chẳng hạn như khi mới vào làm, công ty thường yêu cầu bạn gửi RIB sau tháng làm đầu tiên hoặc, nếu làm theo dự án, thì là sau khi kết thúc dự án (và nên nhớ trước khi bắt đầu làm việc hay bắt đầu dự án ngắn hạn nào thì luôn phải ký hợp đồng để đảm bảo không có vấn đề gì về lương).
Các công ty lừa đảo này thường sử dụng biện pháp dépôt chèque, vì tiền trong chèque sẽ chỉ thật sự vào tài khoản của bạn sau 15 ngày kể từ khi dépôt. Trong vòng 15 ngày này, họ hoàn toàn có thể rút chèque lại, và nếu bạn thật sự chuyển họ 1000€, thì 1000€ này 100% sẽ là tiền của bạn, chứ không phải số tiền từ tấm chèque họ đã dépôt. Vậy nên trong bất kỳ trường hợp nào mà bạn dépôt chèque của người khác, hãy đảm bảo là tiền đã vào tài khoản trên 15 ngày, trước khi sử dụng khoản tiền đó.
Nếu thật sự dépôt chèque 1000€ vào tài khoản của bạn, thì bạn hoàn toàn có thể báo công an porter plainte vì họ giả mạo chữ ký của bạn trên chèque để ép tiền vào tài khoản của bạn.
Cá nhân mình dù cảm thấy bản thân là người khá cẩn thận, nhưng vẫn không thể tránh được mà để lộ thông tin cá nhân với bên lừa đảo trong trường hợp này. Hơn nữa, đây là trường hợp lừa đảo tinh vi và có chuẩn bị, vì thông tin của công ty này thật sự có tồn tại nếu check trên Google, địa chỉ gửi mail cho mình có tên miền công ty. Thông tin mà bọn lừa đảo này nhắn cho mình về nội dung thiết kế cũng hoàn toàn trùng khớp với những gì mình tìm thấy trên mạng về lĩnh vực làm việc của công ty. Hơn nữa thông báo tuyển dụng trên các nền tảng được viết cẩn thận, và các email cũng được soạn một cách chuyên nghiệp. Kinh nhất là còn giả vờ ‘đảm bảo’ bằng cách yêu cầu dự trù kinh phí, in biên bản rồi đóng dấu kí tên.
Sau đây là một vài lời khuyên của mình cho các bạn sau trải nghiệm ngu si đần này :
Cẩn thận và tỉnh táo trong các trường hợp như thế này, bởi ở đâu cũng có lừa đảo, nhất là trong thời kì COVID kinh tế khó khăn. Nếu vấn đề liên quan trực tiếp tới tiền bạc, đừng ngại liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để được hỗ trợ kịp thời
Khi xin việc thì cũng không nên ngại các công ty nhỏ, nhưng cần tìm hiểu kỹ về công ty, và hơn hết là nếu email nhắn tin với bạn có mang tên riêng của người gửi, đừng ngần ngại tìm hiểu về người đó trên Google hoặc LinkedIn.
Khi bắt đầu một công việc hay dự án, nhất là khi làm việc từ xa, nhớ yêu cầu một bản hợp đồng đầy đủ, có thông tin liên hệ chính xác của cả hai bên, trước khi gửi thêm cho họ bất kỳ thông tin cá nhân nào.
Bài viết đã dài quá rồi, chúc mọi người một mùa COVID may mắn và không gặp phải lừa đảo như mình nhé. Đấy, nhắc lừa đảo lại nhớ, hôm trước bọn mình đang tìm nhà, cũng gặp một bên lừa đảo bảo mua thẻ Neosurf các thứ các kiểu. Buồn thiệt đó, mùa kinh tế yếu kém người ta cứ đi lừa nhau hoài à.
Thật sự, bảo trọng nha mấy bạn!! Hy vọng là bài viết này của mình có thể giúp đỡ cho các bạn phần nào trên con đường tìm thực tập và tìm việc làm nha!
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments