Nghệ thuật có tác động thế nào tới tâm trí của con người, hay thậm chí là cách con người ta quan sát thế giới này? Ngoài việc là một biện pháp bày tỏ nội tâm của người thực hành nghệ thuật, thì nghệ thuật còn là phương tiện truyền tải hữu hiệu những giá trị nội tâm phức tạp, ví như những ý tưởng hay những cảm xúc đầy tính cá nhân. Đôi khi ta nghe một bản nhạc mà lại cảm nhận được một nỗi buồn sâu sắc, lắm lúc ta chỉ nhìn một bức tranh mà lại thấu hiểu được một cách nhìn thế giới mới mẻ muôn màu. Phải chăng, có thể nói rằng những người yêu nghệ thuật là những cá nhân nhạy cảm hơn với chính cuộc sống của bản thân, và với cả những người xung quanh?
“Thực tế thì mỹ học hoàn toàn chẳng hề tầm thường và cũng không tách biệt khỏi những mối bận tâm về đạo đức, không những thế nó còn có liên quan tới những nghiên cứu phạm vi rộng trong triết học về bản chất của con người.” – Trích lời Rick Lewis trong bài viết về Nghệ thuật và Tâm hồn, đây cũng chính là bài đọc của chúng ta ngày hôm nay.
Đây không phải là bài viết sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Nghệ thuật và Tâm hồn, mà được viết nên để độc giả tự đặt cho bản thân các câu hỏi về giá trị của Nghệ thuật đối với cuộc sống và xã hội – những câu hỏi mà chúng ta cần phải tìm hiểu sâu và cặn kẽ hơn nữa để có được câu trả lời cho chính bản thân mình.
Còn bây giờ, mời bạn đón đọc :
❯❯ NGHỆ THUẬT VÀ TÂM HỒN
Bởi Rick Lewis, đăng tải trên Tạp chí Philosophy Now, Số 143, Tháng 9-10/2008 Lược dịch bởi Artplas
“Tất cả nghệ thuật đều khá vô dụng.” – Oscar Wilde, The Picture of Dorian Gray
“Phép ẩn dụ có lẽ là sức mạnh phong phú nhất mà con người sở hữu.” – José Ortega y Gasset, The Dehumanisation of Art
Nhận xét về sự vô dụng của nghệ thuật của Oscar Wilde chính là đặc điểm điển hình mang đậm phong cách đầy chất Wilde – cách ngôn, khá ngược đời, và một cách nào đó thể hiện một kiểu thuần khiết đến kì lạ. Nghe như ông đang cố gắng định nghĩa nghệ thuật, và khơi gợi một suy nghĩ rằng tất cả những gì hữu dụng đều không phải nghệ thuật, mà đơn thuần chỉ là tạo tác thủ công. Bằng cách đó, ông như nâng tầm sự quan trọng của nghệ thuật, đặt nó tới một tầng cao hơn những vật chất thực dụng tầm thường, biến nó thành một loại hình thần thánh. Nhiều những nhà hiền triết được ngưỡng vọng trên đền thờ triết học – Plato, Kant, Hegel – từ rất lâu đời đã đưa ra những lý thuyết về mỹ học. Ấy vậy mà một số kẻ tục phàm vẫn phải thừa nhận một cảm giác lén lút rằng, việc suy ngẫm trước các tác phẩm hội họa và trầm ngâm khi nghe nhạc được coi là thường thức chứ không phải để thăm dò những lo lắng hiện sinh đầy cấp bách liên quan tới đạo đức hay triết học tâm thần. Nhưng thực tế thì mỹ học hoàn toàn chẳng hề tầm thường và cũng không tách biệt khỏi những mối bận tâm về đạo đức, không những thế nó còn có liên quan tới những nghiên cứu phạm vi rộng trong triết học về bản chất của con người.
Ý thức của chúng ta nhận các luồng dữ liệu giác quan từ mắt, tai và cảm giác từ các đầu ngón tay, truyền tới não ta đầy những hình dáng và màu sắc. Có quá nhiều tình tiết về thế giới mà chúng ta đang sống trong, nhưng những tình tiết ấy cần được phân tích và giải thích. Bộ não con người đã phải phát triển nhiều cách quản lý khối lượng dữ liệu lớn đó sao cho hữu ích, trích xuất và tổ chức sắp xếp thông tin, vượt xa những rung động vật lý thông thường và cả những kích thích đơn thuần tại các đầu dây thần kinh. William James từng nói, rằng đối với những đứa trẻ sơ sinh, thế giới chắc hẳn chỉ là “sự lộn xộn, xôn xao khó hiểu”, nhưng chúng sớm thôi sẽ không còn nhìn nhận mọi thứ như những đường lượn sóng dập dờn mà thay vào đó là chiếc ghế mà chúng thích. Chúng rồi sẽ ngừng nhìn thấy những đốm màu tròn không rõ hình hài mà thay vào đó là gương mặt của cha mẹ thân yêu. Những tái hiện trong nhận thức cá nhân này khác hẳn so với dữ liệu thô đầu vào, nhưng được kết nối một cách đều đặn và có thể dự đoán được với thế giới bên ngoài, nơi phát sinh những dữ liệu và chứa đựng nhân tố đại diện cho dữ liệu thô ấy. Nói cách khác, ấy không phải là hình hài chính xác của thể giới, mà là một phiên bản ẩn dụ của thế giới trong nhận thức của mỗi con người.
.
Trong lịch sử lâu rất lâu trước đây, những sinh vật không khác chúng ta là bao đã học được cách tái hiện lại thế giới này, không chỉ để bày tỏ nội tâm và còn để thể hiện cho đối tượng khác. Đôi khi chúng sử dụng những tiếng gầm gừ và cử chỉ, có lúc lại sử dụng đất son hoặc mẩu than để tái hiện lại hình ảnh trong đầu lên các bức tường của hang động nơi chúng sống. Sinh vật đầu tiên bắt tay vào làm việc ấy và tái hiện lại thế giới mà chúng sống cũng như những ý tưởng trong đầu chúng thông qua nghệ thuật đã thực hiện hành động này cách đây ít nhất 65,000 năm – cũng chính là tuổi ước tính của các bức tranh tường hang động được phát hiện ở Andalusia vào năm 2018. Cho đến tận ngày nay, chúng ta có thể nói rằng con người hiện đại vào thời điểm đó vẫn chưa xuất hiện tại Tây Ban Nha, vậy nên người ta tin rằng những ‘nghệ sĩ trẻ khơi mào cách mạng nghệ thuật’ này hẳn có thể là chủng người Neanderthal. Giáo sư khảo cổ học Tom Higham của Oxford đã lập luận trong một cuốn sách gần đây (The World Before Us) rằng con người tối cổ đã có quá trình tham gia vào trao đổi văn hóa với chủng người Neanderthal, chứ không đơn giản chỉ có trao đổi gen như tất cả chúng ta đều biết tới. Nếu vậy, có thể nói rằng có một dòng kế thừa nghệ thuật trực tiếp lưu chuyển từ chủng người Neanderthal đến nghệ sĩ Damien Hirst.
Nhưng vào khoảng thế kỉ trước, khi những người nghệ sĩ cố gắng truyền tải những chủ đề nghệ thuật mang tính trừu tượng hơn, họ không chỉ dựa vào biện pháp tái hiện hình ảnh trực tiếp mà còn sử dụng nhiều phương thức ẩn dụ khác – bằng cách đó, họ tăng thêm một tầng ẩn dụ hoàn toàn mới, phủ lên trên lớp ẩn dụ tái hiện ban đầu trong tâm trí con người. Những người đam mê nghệ thuật đã học được cách suy nghĩ của các em bé sơ sinh, rằng một vài hình dáng màu sắc đầy trừu tượng có thể là biểu trưng cho một chiếc ghế, một người phụ nữ hay thậm chí cả một ý tưởng. Thành thật mà nói, thật ngạc nhiên khi biện pháp thể hiện trừu tượng lại có thể thành công đến vậy, nhưng rõ ràng rằng điều ấy là khả thi, và thông qua những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc trừu tượng, những suy nghĩ phức tạp cũng như những hiểu biết và cảm xúc từ não bộ của một con người này lại có thể, bằng một cách nào đó, tiến nhập được vào trong não bộ của một cá nhân khác. Ấy hẳn là một câu chuyện đáng kinh ngạc và một quá trình đầy bí ẩn đáng để khám phá.
Jessica Logue viết về đạo đức nghệ thuật – chúng ta có nên đánh giá nghệ sĩ trước khi đánh giá tác phẩm của họ? Atika Qasim xem xét động cơ của các nhiếp ảnh gia và Peter Benson xem xét một xu hướng rất gần đây trong hội họa. Greg Stone có một cách tiếp cận mới cho một câu hỏi rất cũ: Nghệ thuật là gì?
Khi hỏi câu hỏi ấy, Greg đứng trước một sự thật đã lâu đời rằng, một lần nữa, có lẽ vấn đề được bắt nguồn từ một số người thuộc chủng Neanderthal. Các nhà thẩm mỹ thường cố gắng quyết định xem nghệ thuật là gì và cái gì nên được coi là nghệ thuật. Đây chắc chắn là một cách hiệu quả để mở rộng sự hiểu biết và đánh giá nghệ thuật, và để ủng hộ các nghệ sĩ lưu tâm hơn đến những khái niệm trừu tượng, tới mức mà Arthur Danto vĩ đại thậm chí còn cho rằng nghệ thuật đang dần rơi vào phạm trù triết học. Mặc dù vậy, hầu hết các nghệ sĩ đều đủ khôn ngoan để lắng nghe các lý thuyết triết học với lòng khoan dung và sự tò mò, mà không để bị chúng hướng dẫn quá mức hoặc gò bó khi thực sự sản xuất nghệ thuật. Trước nguy cơ ấy, họa sĩ kiêm nhà viết tiểu luận William Hazlitt đã viết, vào năm 1839, “Các quy tắc và mô hình triệt tiêu những thiên tài và hủy hoại nghệ thuật”.
.
Bài viết gốc “Art and Soul”, bởi Rick Lewis, đăng tải trên Tạp chí Philosophy Now, Số 143, Tháng 9-10/2008
Lược dịch bởi Artplas
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments