Bài viết này sẽ cho ta thấy một góc nhìn đầy mới mẻ về mối liên hệ giữa luật pháp và nghệ thuật qua công việc của bốn luật sư và một thẩm phán - đồng thời là những nghệ sĩ tài năng.
Có lẽ bởi vì ta bận rộn với nghề luật mà những nỗ lực hướng tới nghệ thuật thường bị gác lại một bên để nhường chỗ cho việc giúp đỡ người khác. Hờ hững với phần nghệ sĩ trong ta có thể gây hại đến bản thân ta nhiều hơn những gì chúng ta biết. Nếu tiếp tục theo đuổi phần nghệ sĩ đó, chúng ta thực sự có thể hưởng lợi với tư cách là luật sư. Như Leonardo da Vinci đã nói, “Trong nghệ thuật không bao giờ kết thúc, mà ấy chỉ là sự bỏ quên.”
Mặc dù Albert Einstein thường không được nghĩ đến như một nghệ sĩ, nhưng rõ ràng ông vẫn luôn tự coi mình là một nghệ sĩ: “Tôi đủ là một nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức thì hữu hạn. Còn trí tưởng tượng là vô hạn.”
Ralph Waldo Emerson cũng đồng tình với Einstein khi nói: “Trong nghệ thuật, bàn tay chỉ có thể tạo ra điều mà trái tim nghĩ đến.”
Oscar Wilde cũng thể hiện sự coi trọng đối với nghệ thuật: "Nghệ thuật là hình thức mãnh liệt nhất của chủ nghĩa cá nhân mà thế giới từng biết đến." (Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng "Một người hoặc nên là một tác phẩm nghệ thuật, hoặc nên bận trên thân mình một tác phẩm nghệ thuật.")
Gerry Spence và Trường đào tạo Luật sư Tranh tụng
Mối liên hệ của Gerry Spence với nghệ thuật bắt đầu từ những ký ức đầu đời của ông. “Tôi đã hứng thú với nghệ thuật từ ngày tôi được sinh ra. Tôi cảm thấy mình cần nghệ thuật và tôi biết mình phải học nó”. Ông mô tả rằng ở độ tuổi 40, ông cảm thấy pháp luật đã trở nên “trống rỗng và vô nghĩa.” Ông từng sống ở Riverton, Wyoming, và đã bán tất cả những gì ông có để học Bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật San Francisco. Được nhận học vào Học viện chỉ bằng cách xét duyệt hồ sơ năng lực, ông đã sớm gặp phải sự vỡ mộng tương tự như với ngành luật. “Sau vài ngày, tôi nhận ra rằng những gì tôi được dạy cũng vô nghĩa. Chương trình học bị lấp đầy hệ thống phân cấp năng lực mà không có bất kỳ kết nối nào giữa người với người. Đối với tôi, nó vô nghĩa như luật,” Spence nói. Sau đó ông đã quay lại ngành luật với một tinh thần mới.
Spence không thể gán cho nghệ thuật một ý nghĩa cụ thể. “Nó không có ý nghĩa nào quá lớn lao, nhưng đó là những gì tôi cần và tôi thấy hữu ích cho sự phát triển của bản thân. Không phải ai cũng có thể vẽ hay chơi tốt một loại nhạc cụ, và không nhiều người có thể sáng tác thơ, nhưng tất cả mọi người đều có một nhu cầu nghệ thuật, vì vậy bất cứ việc gì mang tính sáng tạo là định nghĩa của tôi về nghệ thuật”.
Ngay từ đầu, Spence đã lồng ghép nghệ thuật vào chương trình giảng dạy của mình tại Trường đào tạo Luật sư tranh tụng. “Các luật sư thường tỏ ra là không có tình cảm hoặc cảm xúc. Tôi sẽ yêu cầu họ vẽ cho tôi tâm hồn hoặc trái tim của họ. Tôi đã sửng sốt khi thấy mọi người khóc trong khi kể cho những người khác nghe về bức tranh mà họ đã vẽ ra. Điều đó đã thức tỉnh họ về những phần bị lãng quên của bản thân. Là luật sư, chúng tôi thường bỏ qua những phần giá trị nhất của mình - đó là khả năng cảm nhận và sáng tạo.
Joane Garcia-Colson, Giám đốc điều hành Văn phòng tư vấn xét xử cùng tên, giải thích rằng nghệ thuật giúp các luật sư khám phá ra họ là ai. “Nếu bạn không rõ câu chuyện của chính mình, bạn cũng không thể kể lại câu chuyện của khách hàng. Ví dụ: Lập luận cuối cùng của luật sư tại phiên tòa không nên là một trận bắn phá không ngừng nghỉ của ngôn từ. Bạn cần khoảng trống, giống như những khoảng trắng trong một bức tranh hoặc một bài thơ, để tạo ra kết cấu, chiều sâu và nhịp điệu. Nghệ thuật có thể giúp bạn kết dính những lập luận của mình lại với nhau”.
James J. Nugent, luật sư và cũng là nhân viên, lần đầu tiên theo học tại Trường đào tạo Luật sư Tranh tụng ở Dubois, bang Wyoming, vào năm 1998. Khi đến nơi, Jim đã rất ngạc nhiên. Thay vì tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của kỹ năng tranh tụng, những buổi học đầu tiên được dành cho việc tự khám phá bản thân. “Tôi không biết mình có thể đi xa đến đâu trong việc khám phá bản thân” ông nói. “Chúng tôi có các bài tập về hội họa và vẽ. Tôi khởi hành từ vùng Đông Bắc, nơi chúng tôi được dạy phải kìm nén cảm xúc của bản thân, đến học ở Wyoming - một nơi xa lắc xa lơ - để vẽ. Tôi chỉ là không nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật đối với một luật sư tranh tụng."
Mối liên hệ giữa luật pháp và nghệ thuật dường như là một trong những niềm đam mê từ sâu bên trong. Jim giải thích, “Đam mê cần thiết cho sáng tạo. Càng đam mê, tôi càng có nhiều khả năng sáng tạo. Càng sáng tạo thì kỹ năng nghề nghiệp của tôi lại càng phát triển hơn”. Nhận xét của Jim rất có ý nghĩa. Nếu một người có đam mê với nghệ thuật, với cuộc sống, thì niềm đam mê ấy và sự sáng tạo bắt nguồn từ đam mê nghệ thuật không thể được tách bạch riêng biệt trong cuộc sống của một luật sư. Niềm đam mê ấy chỉ đơn giản là không thể kiểm soát nổi và đã choán hết mọi khía cạnh tạo nên người đó. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một người mô tả hoạt động tố tụng như một hình thức nghệ thuật. Jim công nhận. “Gerry nói với chúng tôi rằng, những lời đầu tiên được nói trong phòng xét xử trở thành nét quẹt bút đầu tiên trên khung tranh mới coóng. Khi bạn vẽ, bạn phải biết khi nào thì nên dừng lại. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong phòng xét xử; bạn phải biết khi nào nên ngừng nói. Đó là khi tác phẩm nghệ thuật, hay là bài trình bày của luật sư, phải độc lập giải quyết vấn đề một mình”. Những trải nghiệm có được đã để lại dấu ấn sâu sắc trong Jim, đến nỗi ông đã gia nhập đội ngũ nhân viên của Trường đào tạo Luật sư tranh tụng. Là một trợ giảng, ông tiếp tục vẽ. Khi các luật sư đến học lần đầu tiên, Jim không hề lấy làm lạ khi nghe các luật sư nói họ đã ngừng vẽ từ khi còn nhỏ. Jim tin rằng sự thiếu vắng nghệ thuật hoặc sự chơi đùa là một phần của sự sự bài trừ nhân tính mà chúng ta trải nghiệm trong cách giáo dục truyền thống, và thậm chí sau này, khi theo học tại các trường luật. Theo thời gian, các luật sư học cách phớt lờ và loại bỏ những ham muốn vui đùa và sáng tạo này. Bằng cách quan sát những học sinh mới này, Jim hiểu rõ hơn về các bài tập và nhận thức được tác động lớn lao của nghệ thuật tới cuộc sống của luật sư tranh tụng. “Đó là một khoảnh khắc lóe sáng khi mọi người có được nó, như hầu hết học viên khác đã có tại ngôi trường này, nhưng thực sự là không có lời nào có thể mô tả được tầm quan trọng của một bức vẽ đơn giản trên một khung tranh trắng trơn đối với họ. Không từ ngữ nào có thể giải thích được những sự thay đổi đã diễn ra trong cuộc đời họ.” “Đơn giản thôi,” Spence nói. “Nếu chúng ta không sáng tạo, thì hẳn là chúng ta đã chết rồi. Nếu bạn chết từ bên trong, thì bạn sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn. Là luật sư, chúng tôi cần có tính sáng tạo. Chúng tôi cần có khả năng kể chuyện trong mỗi phần của một phiên tòa.”
Triển lãm Bench & Bar tại Hiệp hội Luật sư
Theresa Raglen, hiện đang làm quản lý các cuộc họp và sự kiện tại Hiệp hội Luật sư bang California, cũng nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của nghệ thuật đối với các luật sư. Trong Hội nghị thường niên của mình, Hiệp hội tài trợ cho Triển lãm Nghệ thuật Bench & Bar và trao giải thưởng cho một số hạng mục. Các luật sư trong toàn bang khi đến hội nghị sẽ đem theo các tác phẩm điêu khắc, tranh sơn dầu, tranh vẽ mực và nhiếp ảnh. Sao họ lại tốn công sức đến thế?
Triển lãm Nghệ thuật Bench & Bar do Lee Potter và chồng cô khởi xướng. Triển lãm hoạt động chủ yếu dựa vào một ủy ban gồm các giám khảo và các tình nguyện viên (bao gồm cả các nghệ sĩ). Raglen đơn thuần nói, “Chúng tôi sẽ không từ bỏ triển lãm! Đó là một sự bổ sung tuyệt vời cho hội nghị. Các luật sư thích nó; mọi người đều thích nó. Và đó không phải là một khoản chi lớn. Nó cho thấy các luật sư không chỉ là luật sư mà họ còn có những sở thích thú vị.”
Cô giải thích rằng các luật sư tham gia triển lãm thích thú khi nhìn thấy một khía cạnh khác của những người đồng nghiệp. “Triển lãm đã lớn hơn rất nhiều, và khi các vị khách đến thăm nó, tôi nghĩ rằng họ được khuyến khích để quan tâm hơn với nghệ thuật. Triển lãm đem lại chút màu sắc cho hội nghị. Thật ra, một số luật sư tham dự hội nghị chỉ vì muốn tham gia triển lãm nghệ thuật”.
.
Bài viết gốc “ART And LAW: Is There A Connection?”, bởi Donna Bader, đăng tải trên Plaintiff Magazine, tháng 4 năm 2018
Lược dịch bởi Artplas
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments