top of page
  • Writer's pictureartplasrenseignement

Nghệ thuật và Luật pháp: Liệu có mối liên kết ❯❯ Phần 2

Tong phần 2 của bài viết “Nghệ thuật và Luật pháp” ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm 4 bức chân dung khác của những người thực hành Nghệ thuật làm việc trong ngành Luật.



“Nó không có ý nghĩa nào quá lớn lao, nhưng đó là những gì tôi cần và tôi thấy hữu ích cho sự phát triển của bản thân. Không phải ai cũng có thể vẽ hay chơi tốt một loại nhạc cụ, và không nhiều người có thể sáng tác thơ, nhưng tất cả mọi người đều có một nhu cầu nghệ thuật, vì vậy bất cứ việc gì mang tính sáng tạo là định nghĩa của tôi về nghệ thuật”. Đó là lời mà Gerry Spence, luật sư người Mỹ nổi tiếng thuộc Hội đồng Luật sư Thử nghiệm Hoa Kỳ chia sẻ về Nghệ thuật, mà ta đã cùng đọc trong phần 1 của bài viết “Nghệ thuật và Luật pháp”


“Gerry nói với chúng tôi rằng, những lời đầu tiên được nói trong phòng xét xử trở thành nét quẹt bút đầu tiên trên khung tranh mới coóng. Khi bạn vẽ, bạn phải biết khi nào thì nên dừng lại. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong phòng xét xử; bạn phải biết khi nào nên ngừng nói. Đó chính là khi tác phẩm nghệ thuật, hay là bài trình bày của luật sư, phải đứng độc lập để giải quyết vấn đề của chính nó” - James J. Nugent, học sinh của Gerry, và hiện đang hành nghề luật sư, cũng đưa ra khẳng định về mối liên kết khó tin giữa Nghệ thuật và Luật pháp, sau khi tiếp xúc với chương trình học Luật phối hợp tạo tác Nghệ thuật mà Gerry đang áp dụng.


Không chỉ Gerry hay James, mà hiện tại ở Mỹ và cả nhiều quốc gia khác, nhiều luật sư, thẩm phán và các nhà hành pháp cũng sử dụng Nghệ thuật như một phương pháp giải tỏa căng thẳng cũng như phát triển kỹ năng mềm của bản thân. "Đối với các luật sư, nghệ thuật không chỉ là một nghề tay trái. Với vài người, đó là một lối thoát khỏi một thế giới đầy áp lực. Với những người khác, đó là một nhu cầu cơ bản và thường trực như nhu cầu ăn và ngủ. Nhưng sau cùng, nghệ thuật đã giúp họ lĩnh hội các kỹ năng vô giá trong thế giới pháp lý và nuôi dưỡng tâm hồn họ." - tác giả Donna Bader kết luận.


"Những lời đầu tiên được nói trong phòng xét xử trở thành nét quẹt bút đầu tiên trên khung tranh mới coóng. Khi bạn vẽ, bạn phải biết khi nào thì nên dừng lại. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong phòng xét xử; bạn phải biết khi nào nên ngừng nói. Đó chính là khi tác phẩm nghệ thuật, hay là bài trình bày của luật sư, phải đứng độc lập để giải quyết vấn đề của chính nó”


Thẩm phán Andrew J. Guilford, Tòa án cấp quận Hoa Kỳ, thành phố Santa Ana, bang California.


Mặc dù đã tuyên thệ nhậm chức thẩm phán tại Tòa án cấp Quận Hoa Kỳ vào năm 2006, thẩm phán Andrew J. Guilford vẫn cố gắng dành thời gian cho nghệ thuật. Từng là chủ tịch của Hiệp hội luật sư bang California (1999-2000) và Hiệp hội luật sư quận Orange (1991), Guilford cũng từng là cộng sự, sau đó là đối tác của công ty luật Sheppard, Mullin, Richter & Hampton trong hơn 31 năm.


Vào lúc ông bắt đầu hành nghề luật, Loreen, vợ của Guilford, đã tặng ông một chiếc máy ảnh Olympus nhỏ, và ông rất thích nó. “Khi tôi bắt đầu sử dụng máy ảnh, tôi bắt đầu chú ý đến ánh sáng, màu sắc, kết cấu và hình dạng,” ông nói. “Tôi không chỉ là dừng lại và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống mà, với một chiếc máy ảnh trong tay, tôi thực sự có thể nhìn ngắm vạn vật. Một khi tôi thực sự bắt đầu quan sát hình dáng, màu sắc và vẻ đẹp của mọi thứ, tôi cũng có thể nhìn thấy những phép ẩn dụ. Nhiếp ảnh đối với tôi giống như một nấc thang dẫn đến bản chất con người”.


Guilford tin rằng theo đuổi nhiếp ảnh đã giúp ích cho công việc của ông với tư cách là một luật sư và bây giờ là một thẩm phán. “Khả năng quan sát rất quan trọng đối với các luật sư,” ông nói. “Nhiếp ảnh đã giúp tôi hiểu về bản chất con người và thấy được mối liên kết giữa con người và thiên nhiên. Đó là một kỹ năng quan trọng với luật sư. Các luật sư và thẩm phán cần thấu hiểu và chạm đến điều kiện tạo nên con người ”.


Máy ảnh cũng đã giúp Guilford kết nối với mọi người. “Trước đây, tôi không chụp ảnh người. Tôi không biết làm thế nào để đến gần người khác và xin phép họ cho tôi chụp ảnh. Khi đi du lịch ở Ấn Độ, tôi nhận thấy có rất nhiều gương mặt thú vị. Chúng không nhất thiết phải là những khuôn mặt đẹp, nhưng rất thú vị. Nhưng làm sao tôi có thể nói với ai đó rằng tôi muốn chụp một bức ảnh vì tôi thấy những nếp nhăn của họ thật đẹp?


Ông đã thoải mái hơn khi nhận ra rằng một số người rất vui khi được chụp ảnh để đổi lấy vài đồng rupee. Guilford nghĩ máy ảnh là một công cụ tuyệt vời để bắt đầu các cuộc trò chuyện, và sau cùng, rất nhiều người muốn được chụp ảnh và thậm chí là hỏi ông về việc in các bức ảnh.


Guilford tham gia Triển lãm Nghệ thuật Bench & Bar từ những năm 1980. Ông cũng tích cực đấu tranh để duy trì triển lãm này khi có những đề xuất về việc loại bỏ nó. “Hiệp hội đã gặp khủng hoảng, và chúng tôi cần tìm cách cắt giảm chi phí. Một số người nghĩ rằng xóa bỏ triển lãm nghệ thuật sẽ giúp tiết kiệm tiền, nhưng chúng tôi có thể chứng minh rằng Hiệp hội đã kiếm được doanh thu từ những nhà tổ chức triển lãm, những người muốn thấy được lưu lượng người xem tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật và triển lãm nghệ thuật đã mang lại những người xem cho họ.”


Triển lãm nghệ thuật vẫn là một phần của Hội nghị thường niên của Hiệp hội luật sư. “Đôi khi bạn cần phải làm điều gì đó mà không mong cầu được đáp lại,” Guildford nói. “Điều quan trọng là chúng tôi có thể chứng minh rằng các luật sư có nhiều hơn là một hình tượng cố định. Theo tôi, việc thưởng thức nghệ thuật khiến chúng ta trở thành những con người sống tốt hơn với môi trường xung quanh. Tôi có thể đo lường chất lượng cuộc sống của mình bằng thời gian tôi dành cho nghệ thuật,” Guilford nói thêm.


Jeri Wyrick, San Francisco, bang California, Hoa Kỳ


Jeri Wyrick là cử nhân nghệ thuật ngành Châu Mỹ học của Trường Đại học California tại Fullerton với ngành phụ là Nghệ thuật. Trước khi trở thành một luật sư, Jeri đã từng làm việc với tư cách là người giải quyết quyền lợi bảo hiểm và người đại diện trong các phiên điều trần. Trước đó, cô ấy không nghĩ mình sẽ học luật, nhưng sau một vài năm, cô ấy tự hỏi, "Việc này có thể khó khăn cỡ nào?" Mãi cho đến khi học luật, đặc biệt là khi học để gia nhập Hiệp hội Luật sư, cô ấy mới bắt đầu quan tâm đến hội họa.


Wyrick nói: “Học luật khiến tôi muốn vẽ. Cô thấy việc học luật rất nhàm chán và cô muốn thoát khỏi sự hành xác của việc “tường thuật lại các sự kiện dưới dạng bài tiểu luận”. Cô khao khát một điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Do đó, Wyrick bắt đầu tham gia các lớp học tại Học viện Nghệ thuật San Francisco (www.sfai.com) và tiếp tục tham gia chương trình học mở rộng tại Trường Đại học California Berkeley (UC Berkeley Extension).


Dù Wyrick hiện đang làm việc trong Văn phòng bảo vệ trợ cấp bồi thường cho người lao động, cô một mực khẳng định cô cần nghệ thuật, và không thể mường tượng nổi về một cuộc sống chỉ hành nghề luật. (Khi cô ấy hỏi tại sao cô ấy lại được đưa vào một tạp chí dành cho luật sư của nguyên đơn, chúng tôi giải thích rằng điều quan trọng chúng tôi muốn nêu lên ở đây là một thực tế rằng: ngay cả luật sư bào chữa cũng có thể sáng tạo.) Wyrick nói, “ Nghệ thuật giúp tôi trốn thoát khỏi cuộc sống thường nhật, giống như một kỳ nghỉ ngắn vậy. Tôi coi đó là một phần của việc giảm căng thẳng. Bạn có thể chu du vạn dặm khi vẽ một bức tranh”.


Wyrick đã tham gia Triển lãm Nghệ thuật được tổ chức cùng Hội nghị thường niên của Hiệp hội luật sư trong nhiều năm. Năm ngoái, cô đã giành được giải nhất về Tranh vẽ tay/Màu nước và giải ba về Diễn hoạt tranh Sơn dầu / Acrylic.


Gail Gresham, thành phố Fresno, bang California


Trong khi người ta dễ đi đến kết luận rằng nghệ thuật có thể quan trọng trong việc giải tỏa căng thẳng thì các luật sư khác lại bác bỏ điều này. Gail Gresham từng là một y tá trước khi trở thành một luật sư và bây giờ cô là người bảo vệ các quyền của người khuyết tật. Cô đang chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ về Sức khỏe Tâm thần và Điều dưỡng cộng đồng tại Đại học California và đã từng giảng dạy luật sức khỏe tâm thần. Mối quan tâm đến quyền của người khuyết tật đã thôi thúc cô tiếp tục việc học.


“Đó là một thử thách,” cô nói. “Vào năm cuối đại học, tôi vừa phải chăm sóc đứa con mới sinh, vừa phải làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Tôi phải làm việc để có đủ tiền chi trả cho việc học. "

Gresham hiện làm việc trong Văn phòng vì Quyền của Thân chủ, thuộc Protection and Advocacy, Inc., một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các dịch vụ cho người khuyết tật ở Sacramento (www.pai-ca.orgwww.ocra-ca.org). Cô đại diện và bảo vệ những cá nhân bị khuyết tật về phát triển bao gồm tự kỷ, bại não, động kinh, chậm phát triển trí tuệ và các tình trạng khác. Cô thấy thỏa mãn với công việc của mình. “Tôi không thể nghĩ ra công việc nào khác khiến tôi hài lòng hơn,” cô nói. Mối quan hệ của cô với nghệ thuật xuất phát từ gia đình. “Mẹ và anh trai sinh đôi của tôi là nghệ sĩ. Tôi đã luôn mày mò tập tành nghệ thuật từ khi còn nhỏ. "


Triển lãm nghệ thuật Bench & Bar tại Hội nghị của Hiệp hội Luật sư đã đem đến cho cô động lực để vượt ra khỏi việc mày mò đơn thuần. Khi được hỏi về ý nghĩa của nghệ thuật, Gresham không thể tìm một lời giải thích dễ dàng. “Có rất nhiều khía cạnh thể hiện ý nghĩa của nghệ thuật. Giống như luật, đó là một cuộc kiếm tìm tia sáng của sự sáng tạo một cách không ngừng nghỉ. Với tôi, có rất nhiều điểm tương đồng giữa nghệ thuật và luật pháp. Cả hai đều cho phép tôi tự do suy nghĩ sáng tạo và chấp nhận rủi ro. Sau cùng, bạn đang đặt bản thân ra khỏi vùng an toàn. Với luật pháp, những gì bạn làm khó tránh khỏi việc bị xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này cũng áp dụng với một tác phẩm nghệ thuật. Mọi người xem xét tác phẩm của bạn và có quyền tự do bình luận và chỉ trích nó.”


Với Gresham, chính luật pháp đã thôi thúc cô quay trở lại với nghệ thuật. “Tôi rất hài lòng về công việc của mình và tôi cảm thấy cân bằng về lâu dài. Khi vẽ là lúc tôi có thể suy ngẫm và thoải mái sáng tạo theo những cách mà mình ưng ý. Lấy một cây cọ và thao tác trên một tác phẩm trừu tượng rất khác với làm việc trên máy tính và soạn thảo luận cứ bảo vệ của luật sư. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tương đồng. Cả hai đều đòi hỏi kỹ năng cứng và óc sáng tạo”.


Gresham cũng ủng hộ con gái bà, Alexis Ortega, một luật sư trẻ ở Fresno, khi đưa ra thử thách cô con gái, thúc đẩy cô công bố tác phẩm nghệ thuật của bản thân . Cả bà và con gái đều gửi bài dự thi đến Triển lãm Nghệ thuật Bench & Bar năm 2007. Gresham đã giành được giải nhất, nhì và ba trong các cuộc triển lãm nghệ thuật năm 2006 và 2007 trong các hạng mục về gốm sứ, tranh acrylics trừu tượng và nhiếp ảnh đen trắng.


Ed Marouk, thành phố Fresno, bang California, Hoa Kỳ


Luật sư Ed Marouk ở thành phố Fresno, bang California, dù đã nghỉ hưu trong ngành luật nhưng điều đó không ngăn cản sự nghiệp điêu khắc của ông. Ông gia nhập Hiệp hội Luật sư vào năm 1958, bắt đầu làm việc ở Văn phòng Ủy viên công tố quận, sau đó làm việc trong lĩnh vực bào chữa hình sự, và cuối cùng là giải quyết tranh chấp cho nguyên đơn. Ông cũng từng làm việc ở Beverly Hills và Eureka trước khi định cư ở Fresno. Ông dành toàn thời gian cho các phiên tòa. “Tôi thích công việc này,” Ed nói, “nhưng khi tôi ở độ tuổi 50, có vợ và các con bên mình, tôi thấy mình trở về nhà căng thẳng và cáu kỉnh. Tôi đã tức tối khi thẩm phán bác bỏ những lập luận phản đối của tôi và luật sư bên kia lại là một tên khốn."


Vợ của Ed, Alison, muốn tham gia một lớp học buổi tối về phác họa và đã yêu cầu ông chở đi. “Tôi đương nhiên là đồng ý. Tôi không nghĩ mình có tài năng gì. Đôi khi tôi vẽ nguệch ngoạc trong khi nói chuyện điện thoại và tôi nghĩ mình vẽ khá tệ,” ông nói. “Tôi đã phác họa cùng vợ mình và cô giáo đi đến nói rằng tôi vẽ khá tốt. Sau đó, vợ tôi đã gợi ý tôi đi học vẽ”.


Sau khi đọc trên tờ Sacramento Bee về một lớp điêu khắc được tổ chức tại một bảo tàng địa phương, ông đã quyết định thử. “Vào lần đầu tiên tôi chạm tay vào đất sét, cứ như đã có phép màu xảy ra!” Marouk đã nhìn thấy một bức ảnh của Bernie Witkin và đã tạo nên một bức tượng bán thân, hiện đang được trưng bày bên cạnh Phòng Witkin ở Thư viện Công pháp Frank J. Creede.


Tòa phúc thẩm ở Fresno cũng trưng bày một số tác phẩm của Marouk, bao gồm cả tác phẩm tượng bán thân Witkin. Ông cũng được đề nghị làm một tác phẩm điêu khắc của Thẩm phán Liên bang đã nghỉ hưu Robert Coyle cho tòa án liên bang ở Fresno.


Việc khám phá ra tài năng nghệ thuật của bản thân đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong cuộc sống của ông. “Tôi đã từng thử mọi cách để loại bỏ sự căng thẳng và áp lực từ các phiên tòa. Tôi đã thử chơi gôn, bóng quần và quần vợt. Tôi thậm chí đã thử uống rượu. Đều không hiệu quả! Lúc đầu, tôi lo lắng rằng nếu tôi dành thời gian để điêu khắc, dù chỉ một ngày trong tuần, công việc của tôi có thể bị ảnh hưởng. Nhưng mọi việc hoàn toàn ngược lại. Tôi đã hạnh phúc hơn. Tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn. Vợ con tôi cũng vui hơn”.

Khi được hỏi có phải nghệ thuật đã tác động đến công việc tại tòa án của mình không, ông hoàn toàn đồng ý. “Tôi đã phản ứng chậm lại. Tôi đã có một góc nhìn rộng hơn về những gì đang diễn ra. Tôi đã bình tĩnh hơn, như thể tôi là một người quan sát thay vì chỉ biết hành động”.


Marouk cảm thấy khá may mắn vì đã phát triển được niềm đam mê dành cho nghệ thuật. “Gần đây tôi nhận được cuộc gọi từ một người bạn đã nghỉ hưu cách đây khoảng một năm. Bạn tôi không biết sẽ phải làm gì. Ngay cả những luật sư trẻ - hãy khuyên họ nên đi tìm một sở thích hoặc một thú vui ngay bây giờ thay vì đợi đến khi nghỉ hưu. Hãy bảo họ làm điều gì đó họ yêu thích, một điều hỗ trợ cho họ sau khi phiên tòa kết thúc hoặc khi họ nghỉ hưu” ông nói.


Trong hơn 20 năm, Marouk đã luôn đem các tác phẩm của mình trưng bày tại Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hiệp hội Luật sư. Năm ngoái, ông đã giành được giải nhất cho tác phẩm điêu khắc của mình. "Tôi thích việc này. Tôi nghĩ điều đó tốt cho Hiệp hội.”


Vợ của Marouk đã qua đời cách đây 9 năm và ông cũng dừng hành nghề luật 4 năm sau đó. Tuy nhiên, mọi sự không hề khiến cuộc sống của ông chậm lại. Marouk, hiện 82 tuổi, đang hoàn thành bằng Thạc sĩ về Nghệ thuật tại Trường Fresno và tập trung toàn bộ vào nghệ thuật. Vào buổi sáng chúng tôi hẹn phỏng vấn, ông đã thức dậy từ 3 giờ để dành thời gian hoàn thành một tác phẩm. “Bạn biết đấy, thật tuyệt vời khi chiến thắng tại phiên tòa nhưng cảm giác ấy không kéo dài bao lâu. Bây giờ niềm vui của tôi đang tiếp diễn. Trong cuộc đời tôi chưa từng có lúc nào hạnh phúc hơn giờ phút này.”


Đối với các luật sư, nghệ thuật không chỉ là một nghề tay trái. Với vài người, đó là một lối thoát khỏi một thế giới đầy áp lực. Với những người khác, đó là một nhu cầu cơ bản và thường trực như nhu cầu ăn và ngủ. Nhưng sau cùng, nghệ thuật đã giúp họ lĩnh hội các kỹ năng vô giá trong thế giới pháp lý và nuôi dưỡng tâm hồn họ.


.


Bài viết gốc “ART And LAW: Is There A Connection?”, bởi Donna Bader, đăng tải trên Plaintiff Magazine, tháng 4 năm 2018 Lược dịch bởi Artplas


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas


Post: Blog2 Post
bottom of page