top of page
Writer's pictureartplasrenseignement

Nghệ thuật và Sự tự do thể hiện

Updated: Oct 27, 2021



Trước vấn đề về kiểm duyệt của phim ‘Vị’ và vụ việc xảy ra với nhóm nghệ sĩ rap Việt trẻ ‘Rap nhà làm’ trong thời gian gần đây, cộng đồng yêu nghệ thuật đang nôn nao và băn khoăn trước nhiều câu hỏi về sự tự do trong nghệ thuật, từ nội dung, phương pháp tiếp cận vấn đề cho tới phương thức biểu diễn và thể hiện nghệ thuật. Những giới hạn hẳn nhiên là cần thiết, nhưng không phải ở quốc gia nào những giới hạn đó cũng đều được đong đo một cách đúng mực. Tại những quốc gia mà đến sự tự do của chính con người cũng còn là một vấn đề đáng lo ngại (ví như Afghanistan, Tunisia, Sudan, Syria,...), thì quyền tự do nghệ thuật ở đã bị xâm phạm gần như ở mức tối đa nhất.

“Nghệ thuật bị coi là vô đạo đức, bạo động hoặc trái với các quy tắc tôn giáo. Những người nghệ sĩ bị bịt miệng bằng nhiều cách, từ xâm hại cho tới bị bỏ tù, từ bị kiểm duyệt cho tới buộc tội báng bổ – mà có thể bị quy thành án tử hình” – trích lời Deeyah Khan. Đây cũng là một phần trích đoạn đáng lưu tâm trong bài đọc của chúng ta ngày hôm nay.

Trong bài phát biểu này trước Liên Hợp Quốc, Deeyah Khan thể hiện quan điểm về quyền tự do thể hiện nghệ thuật và nhấn mạnh về giá trị của sự tự do trong nghệ thuật, cũng như nêu lên những vấn đề về nạn phân biệt giới tính trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nhất là ở các quốc gia Trung Đông.


❯❯ NGHỆ THUẬT VÀ SỰ TỰ DO THỂ HIỆN

Bởi Deeyah Khan, đăng tải trên Globalfree

Lược dịch bởi Artplas

Khi nói về quyền con người ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cũng nên bao gồm trong đó cả quyền tự do cho phép người nghệ sĩ được tỏ lòng, Deeyah Khan – nhà sản xuất âm nhạc, nhà soạn nhạc và đạo diễn phim tài liệu từng đoạt giải Emmy – viết, trong bản tuyên bố mà bà đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào Tháng ba năm 2014.

Nghệ thuật là một hình thức trao đổi thông tin mạnh mẽ, có khả năng đặc biệt vượt khỏi mọi rào cản văn hóa và ngôn ngữ, là một phương thức khám phá ý nghĩa đích thực của sự sống một con người. Nghệ thuật có thể thô thiển hoặc cao siêu, cơ bản hay phức tạp, và ấy là một trong những phương cách đầu tiên con người sử dụng để giãi bày suy nghĩ của mình và tới ngày nay, nghệ thuật vẫn được khởi nguồn từ tiềm năng sáng tạo để đổi mới và chuyển biến từ chính con người.


Bài viết gốc "Art and Freedom of Expression", bởi Deeyah Khan, đăng tải trên Globalfree

Lược dịch bởi Artplas



Nghệ thuật là một hình thức trao đổi thông tin mạnh mẽ, có khả năng đặc biệt vượt khỏi mọi rào cản văn hóa và ngôn ngữ, là một phương thức khám phá ý nghĩa đích thực của sự sống một con người. Nghệ thuật có thể thô thiển hoặc cao siêu, cơ bản hay phức tạp, và ấy là một trong những phương cách đầu tiên con người sử dụng để giãi bày suy nghĩ của mình và tới ngày nay, nghệ thuật vẫn được khởi nguồn từ tiềm năng sáng tạo để đổi mới và chuyển biến từ chính con người. Nó có một khả năng không tưởng trong việc thể hiện sự phản kháng và nổi loạn : sự chống đối và niềm hy vọng. Nó có thể khơi mào những thảo luận, đưa những chủ đề đáng nói ra trước bàn dân thiên hạ, để vạch trần những lạm dụng và hướng tới một thế giới mới : để chạm sâu hơn tới mỗi con người và tác động lên họ nhiều hơn so với những diễn ngôn đầy tính chính trị và khoa học, để khiến ta trào nước mắt, rộ tiếng cười và bắt tay vào hành động. Có lý do cho việc vì sao những người nghệ sĩ, tầng lớp trí thức và phụ nữ lại thường là những mục tiêu đầu tiên của các chế độ áp bức, của những nhóm chủ nghĩa chính thống và các phần tử phản động – những thành phần không thể chịu nổi việc bị rơi vào những vị thế có thể đe dọa sự độc quyền quản lý thông tin về sự thật của họ, không chịu nổi việc bị lâm vào tình cảnh mà sự thối nát và tàn ác của họ bị vạch trần.

Nên, ở những nơi quy việc làm nghệ thuật là phạm pháp, nghệ thuật bị coi là vô đạo đức, bạo động hoặc trái với các quy tắc tôn giáo. Những người nghệ sĩ bị bịt miệng bằng nhiều cách, từ xâm hại cho tới bị bỏ tù, từ bị kiểm duyệt cho tới buộc tội báng bổ – mà có thể bị quy thành án tử hình. Nguồn nhân lực quý báu ấy – những nghệ sĩ của chúng ta – được hình thành từ sự tiếp nối sâu sắc với truyền thống nghệ thuật của con người, cùng sự tìm tòi khai phá những hình thức mới để tạo nên tiềm năng sáng tạo chói lọi : chắc chắn là một trong những đỉnh cao của thành tựu và kinh nghiệm của nhân loại. Nhà thơ cấp tiến người Anh Shelley coi các nhà thi sĩ là những nhà lập pháp chưa được thừa nhận trên thế giới : tương lai nằm ngay nơi hiện tại, tựa như những cây cao nằm tiềm ẩn trong hạt giống, ông nói – và nghệ thuật có tiềm năng khai mở tương lai ấy, một tương lai bình đẳng, đa dạng và thống nhất. Nói cách khác, những người nghệ sĩ nên được coi là những nhân tố đóng góp quan trọng, ấy vậy mà lại chưa được đánh giá cao trong việc góp sức vào sự vận hành của xã hội dân sự.

Các nghệ sĩ ở khắp mọi nơi, và vào khắp mọi thời kỳ, đã đóng vai trò đứng lên đấu tranh cho nhân quyền và phẩm giá đạo đức, nhờ vào những khám phá của họ về tình trạng của con người, đặc biệt là trong những thời kỳ bất ổn, áp bức và hỗn mang. Không có gì lạ khi tiềm năng tự do và không bó buộc của những người nghệ sĩ trong cố gắng nói lên sự thật trước những thế lực hùng mạnh đã khiến những kẻ chiếm lời từ việc đầu tư vào sự đàn áp tinh thần của con người phải e sợ. Ở nơi các phương tiện truyền thông bị kiểm soát, nghệ thuật trở thành tiếng nói cuối cùng của tự do – đáng tin hơn cả những phương tiện chính thống, một kênh phân tích, kể về những phiên bản khác nhau của lịch sử, những mặt khác ta chưa thấy của tương lai. Ở nơi tiếng nói những người phụ nữ bị ghìm chặn, việc thể hiện bản thân của phụ nữ bị coi là một hành động mang tính thách thức và từ chối những giới hạn nghiêm ngặt của vai trò giới. Ở nơi mà xã hội sống dựa vào sợ hãi và áp bức, nghệ thuật là mầm ươm hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn. Chính quá trình sáng tạo đã tạo ra cảm giác giải phóng nội tâm, thứ cảm giác gieo mầm cho mong muốn kêu gọi quyền tự do trên diện rộng. Nghệ thuật là một trong những phương cách thể hiện mong muốn và cảm xúc sẵn có nhất, ngay cả cho những cá nhân nghèo túng nhất : bởi để biểu đạt nghệ thuật, đơn giản chỉ cần có một tiếng nói, một cây bút hay một tiếng trống thầm.



Tiềm năng thay đổi mà nghệ thuật có thể mang lại được thể hiện ở chính những cách khác thường mà người ta dùng để phá hoại nghệ thuật : như các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan tôn giáo vào các biểu hiện nghệ thuật và nghệ sĩ ở các nước như Mali và Pakistan. Năm ngoái, gần 20 nghệ sĩ bị giết hại. Hơn hàng nghìn người bị kiểm duyệt, hoặc bức hại. Nhiều sự cố thương tâm không bao giờ được công khai – những nghệ sĩ gặp phải các mối đe dọa hằng ngày từ những phần tử theo chủ nghĩa chính thống ở Bắc Mali, Khyber Pakhtunkhwa và những Khu vực Bộ lạc Liên bang Quản lý tại Pakistan. Có cả những nghệ sĩ trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột nội bộ tại Syria hoặc Sudan, giữa nhiều cuộc công kích khác đối với quyền tự do nghệ thuật trên toàn thế giới.

Khi các nhạc sĩ, những người đang đặt câu hỏi về đàn áp chính trị và tham nhũng thông qua âm nhạc của họ, bị bỏ tù ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam hoặc Tunisia, đó là một nỗ lực để bịt miệng, để ngăn chặn những tiếng nói ghi lại sự đàn áp và bày tỏ niềm hy vọng, và các thế lực độc tài muốn che giấu những áp bức của họ nhiều như cách họ muốn dập tắt đi hy vọng. Trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy ở Trung Đông, có thể lấy ví dụ từ chính những người nhạc sĩ – như ‘El General’ ở Tunisia – đã đóng một vai trò thiết yếu khi trở thành những người nói lên sự thật, vạch trần những tham nhũng chính trị và tài chính cũng như viết nên những bản quốc ca hùng tráng, mang lại cảm giác đoàn kết và thống nhất giữa tất cả quần chúng nhân dân. Trích lời của một rapper đến từ Gaza, người đã bị buộc phải chấp nhận bảo vệ bởi Hội đồng thành phố Gothenburg: “Tôi là CNN nơi đường phố”.

Báo cáo đầu tiên của Liên hợp quốc về sự tự do thể hiện và sáng tạo nghệ thuật, được thực hiện bởi Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc trong lĩnh vực văn hóa công bố vào mùa xuân năm ngoái, là một thành tựu đã được mong đợi từ lâu, khơi mở nhiều câu hỏi mang tính tiên quyết, kêu gọi hành động của các chính phủ – và để các hành vi xâm phạm được ghi lại. Tuy nhiên, các báo cáo quốc tế về vi phạm nhân quyền có xu hướng tập trung vào tự do truyền thông, tới mức đôi khi gạt bỏ những hình thức biểu hiện khác. Sức sống của công cuộc sáng tạo nghệ thuật là cần thiết cho sự phát triển của các nền văn hóa đa dạng, sôi động. Những người nghệ sĩ – theo lời của Báo cáo viên đặc biệt – “đã chứng minh khả năng của họ trong việc mang lại những đối trọng với các trung tâm quyền lực hiện có ở nhiều nước đang phát triển và truyền cảm hứng cho hàng triệu người cùng thảo luận, suy ngẫm và chung tay hành động”.

Các tổ chức như Freemuse, Arterial Network và Liên minh Quốc gia Chống kiểm duyệt đã được thành lập để ghi lại những xâm phạm, nhưng so với hằng hà sa số các tổ chức ghi nhận và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các nhà báo và các nhà hoạt động chính trị thông thường, có ít tổ chức giám sát xâm phạm trên thế giới dành cho nghệ sĩ hơn. Và, khả năng có thể bảo vệ những cá nhân đang gặp nguy hiểm và vận động hành lang cho những thay đổi pháp lý trong việc hạn chế quyền tự do biểu hiện và thay đổi chính sách khiến trách nhiệm bảo hộ những người nghệ sĩ và quyền tự do nghệ thuật trở thành nghĩa vụ của quốc gia.

Quyền tự do ngôn luận đã trở thành tâm điểm của các cuộc đụng độ giữa các hội nhóm trong xã hội, phản ánh những xung đột nội bộ cho dù đó là những xung đột về tôn giáo, văn hóa hay chính trị. Pavlos Fyssas, được biết đến với cái tên Killah P, một nhà hoạt động chống chủ nghĩa phát xít, đã sử dụng sự nghiệp nhạc rap của mình để chỉ trích sự trỗi dậy của đảng tân Quốc xã Bình minh Vàng (Golden Dawn neo-Nazi) ở Hy Lạp. Anh ta bị đâm chết bởi một phần tử thuộc đảng tân Quốc xã. Trong khi sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế tập trung vào những hạn chế hoạt động đối với nghệ sĩ Trung Quốc Ai Weiwei và việc bỏ tù nhà hoạt động nhạc punk Pussy Riot, thì ngoài tầm quan sát của truyền thông, vẫn còn nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thế giới đến từ Mali đã hợp lực trong việc nâng cao nhận thức về thảm họa văn hóa của đất nước này.



Thực sự không nên tồn tại những trường hợp chỉ có cuộc đàn áp các nghệ sĩ nổi tiếng mới dấy lên sự phẫn nộ: một nhạc sĩ đám cưới không biết chữ người Afghanistan bị Taliban đe dọa cũng đáng nhận được cùng một sự ủng hộ tương tự những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, ấy vậy mà những điều này hiếm khi thu hút sự chú ý tương đương. Trong một thế giới lo sợ sự tham gia của những người phụ nữ và e ngại tiếng nói của phụ nữ, bản thân chính việc ‘là’ phụ nữ và làm nghệ sĩ đã là một hành động chính trị, một hành động phản kháng lại những giới hạn và vai trò giới đầy nghiêm ngặt, đang bị áp đặt cho phụ nữ, trong thế giới của chúng ta. Trong hơn 30 năm, phụ nữ Iran không được phép hát solo, cũng như không được biểu diễn trước nhiều khán giả đủ mọi giới. Chúng ta cũng cần phải nhận thức được rằng, không nhất thiết chỉ có nhà nước hoặc những người theo trào lưu chính thống mới gây ra mối đe dọa cho quyền tự do ngôn luận : đối với một số người, đặc biệt là phụ nữ, mối đe tới sự an toàn của lại họ đến từ chính những người thân cận. Ví dụ có thể thấy ở những ca sĩ người Pakistan – Ghazala Javed, bị chồng giết sau khi cô đệ đơn ly hôn, và Shamim Aiman Udas bị chính anh trai giết hại để thể hiện hành động được coi là giết người ‘danh dự’ vào khoảng thời gian mà các chiến binh Pakistan đang thực hiện một chiến dịch quấy rối các nhạc sĩ.

Việc các nghệ sĩ nữ bị gạt ra ngoài lề, việc kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận, sự xâm phạm nhân quyền của các nghệ sĩ, đã ảnh hưởng tới nhiều phạm trù hơn ngoài những nạn nhân trực tiếp và gia đình của họ. Tất cả những điều ấy khiến những tranh luận trở nên nghèo nàn hơn, và đặt ra giới hạn cho một vài phương cách sâu sắc nhất trong việc biểu hiện tinh thần của con người. Tôi tin rằng nghệ thuật cũng cần thiết cho nền dân chủ, tương tự như tự do báo chí. Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn bị đàn áp ở khắp nơi trên thế giới, đôi khi theo những cách kín đáo hơn nhiều, nếu so với những hình thức bạo lực chống phá các cá nhân thực hành nghệ thuật ở Mali và Afghanistan.

Nghệ thuật bị đàn áp thông qua việc thiết chế các đạo luật về sự báng bổ, qua các thủ đoạn gây áp lực cao của các nhóm có lợi ích đặc biệt – những phần tử cho rằng ý kiến cá nhân của họ có giá trị hơn quyền tự do ngôn luận chung, và tất cả những điều này dẫn đến sự tự kiểm duyệt đầy tinh vi và tàn khốc. Ở những nơi đó, những người phân phối và tiếp thị nghệ thuật, thông qua các phòng trưng bày, các nhà xuất bản và địa điểm hòa nhạc, sợ hãi về những tác động của các hình thức nghệ thuật mang tính biểu tượng với mục tiêu tấn công vào các niềm tin hoặc thể chế đang được bảo vệ – mà ấy lại là những hình thức nghệ thuật thường thấy nhất.

Nghệ thuật và tự do ngôn luận là những yếu tố sống còn của bất kỳ nền dân chủ đang hoạt động nào, và là kho báu vô giá của con người. Khi nói về quyền con người ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cũng nên bao gồm trong đó cả quyền tự do cho phép người nghệ sĩ được tỏ lòng. Việc đàn áp các nghệ sĩ nên được nhìn nhận là vấn đề chính trị chứ không phải dưới khía cạnh của truyền thống hay đức tin : rằng ấy là những hành động đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến, hoàn toàn khác với chủ nghĩa hoạt động chính trị công khai ở phương thức thể hiện – những phương thức đã hình thành từ thuở đầu của nhân loại và đã khắc sâu vào từng nền văn hóa, từng truyền thống, đã lay động, truyền cảm và thống nhất con người ta từ bao đời nay. Là một phụ nữ và một nghệ sĩ, tôi tin vào sức mạnh của nghệ thuật, với khả năng mang lại thay đổi xã hội và tôi tin rằng lợi ích chung của chúng ta, với tư cách là con người, là đảm bảo rằng các nghệ sĩ có quyền tự do lên tiếng – để có thể khai phóng mầm cây khỏi vỏ hạt bên ngoài.

Deeyah Khan đã viết tuyên bố này về vai trò của nghệ thuật và nghệ sĩ trong xã hội dân sự trong bài thuyết trình của bà tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào Tháng 3 năm 2014.


.

Bài viết gốc "Art and Freedom of Expression", bởi Deeyah Khan, đăng tải trên Globalfree

Lược dịch bởi Artplas

.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas

35 views0 comments

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page