Sự liên kết của não bộ với cảm xúc thẩm mỹ
“Trải nghiệm thẩm mỹ xảy ra ở mọi nơi (bảo tàng, phòng tranh, nhà thờ,…). Một số quan điểm tâm lý học cho rằng, trải nghiệm thẩm mỹ là một quá trình đáp ứng khoái cảm và các quan điểm này dẫn khởi một sự gắn kết giữa trải nghiệm thẩm mỹ và sự thỏa mãn (Berlyne, 1974; Leder & al., 2004; Silvia, 2005). Những nghiên cứu gần đây thì lại chỉ ra rằng, nghệ thuật có thể cải thiện tâm sinh lý và trở thành một “liều thuốc” cho nhiều người, như thanh thiếu niên, người già và những người dễ tổn thương.”
Đó là một mệnh đề quan trọng tại Phần 1 của bài nghiên cứu về Nghệ thuật và Sức khỏe Tâm lý của chúng ta tuần trước. Trong tuần này, cũng tiếp tục tìm hiểu thêm về Nghệ thuật trong Giáo dục, cũng như Sự liên kết của não bộ với Trải nghiệm thẩm mỹ, để cùng “xem xét một số yếu tố thần kinh thẩm mỹ, mô tả chi tiết những hoạt động của hệ thần kinh, nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa trải nghiệm thẩm mỹ và sự kích hoạt các trạng thái cảm xúc, từ đó có cái nhìn rõ hơn về trải nghiệm thẩm mỹ và cách trải nghiệm này tạo ra những cảm xúc thẩm mỹ và sự tích cực ở con người.”
Bài nghiên cứu “Nghệ thuật và Sức khỏe Tâm lý” được chia làm 3 phần:
Phần 1 : Lời nói đầu, Thưởng thức Nghệ thuật và Sức khỏe con người
Phần 2 : Nghệ thuật và Giáo dục, Sự liên kết giữa não bộ và trải nghiệm thẩm mỹ
Phần 3 : Mối liên hệ giữa Nghệ thuật và Cảm xúc, Tổng kết.
Lưu ý : Bài viết có nhiều thuật ngữ và giải thích dài thuần về khoa học thần kinh, phù hợp với độc giả quan tâm về chuyên sâu nghiên cứu
Nghệ thuật và Giáo dục
Một vài nghiên cứu đã được thực hiện về hiệu quả của ứng dụng nghệ thuật vào trong giáo dục, cho thấy mối quan tâm trong lĩnh vực này và cũng đặt ra cơ hội và những thách thức cho giáo dục truyền thống mà bấy nay vẫn định hình cách thức giảng dạy hiện tại (Richard, 2007; Leonard & al., 2018). Phương pháp sư phạm dựa trên nghệ thuật là tập trung chú trọng vào việc kết hợp một loại hình nghệ thuật (sân khấu, nghệ thuật thị giác, hội họa, âm nhạc,…) với chủ đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả học tập (Rieger & Chernomas, 2013).
Với việc học tập thông qua nghệ thuật, người học được tiếp cận vấn đề bằng cách sáng tạo nghệ thuật, đánh giá nghệ thuật, hay thậm chí là biểu diễn, chứ không chỉ còn tham gia những lớp học lý thuyết khô khan (Rieger & Chernomas, 2013). Phương pháp học tập thông qua nghệ thuật đã được ứng dụng hiệu quả trong giáo dục chăm sóc sức khỏe (Wikström, 2003; Rieger & al., 2016). Ví dụ, sử dụng một hoạt động nghệ thuật như phương pháp giảng dạy sẽ giúp người học nâng cao kỹ năng quan sát, sự đồng cảm (đồng cảm với bệnh nhân từ đó tạo được sự gắn kết, tin tưởng), kỹ năng giao tiếp thông qua cử chỉ, và kỹ năng gắn kết mối quan hệ với mọi người xung quanh, so với chương trình giảng dạy truyền thống (Wikström, 2011). Nghiên cứu của Wikstrom và đồng nghiệp cho thấy những người được học tập bằng nghệ thuật thị giác có thể giao tiếp truyền cảm hơn và tăng khả năng đồng cảm của hộ tá với bệnh nhân. Học viên được yêu cầu miêu tả hình ảnh người hộ tá chăm sóc trong bức tranh “The Sickbed” của Lena Croqvist, sau đó, họ được hỏi những câu hỏi nhằm gợi ra phản ứng đồng cảm, chẳng hạn “Từ con mắt của người điều dưỡng, các bạn nghĩ nhân vật cảm thấy điều gì?”. Một nhóm học viên khác được yêu cầu mô tả quy trình của một quá trình chăm dưỡng tốt, mà không được hỗ trợ bởi hình ảnh biểu thị. Kết quả là nhóm được học với hình ảnh biểu thị làm tốt hơn, họ diễn tả được công việc của điều dưỡng và điểm số đồng cảm cũng tăng cao (Wikström, 2001). Những thực nghiệm đó đã chỉ ra rằng việc ứng dụng nghệ thuật thị giác trong giáo dục chăm sóc sức khỏe giúp học viên có thể thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhân, từ đó nâng cao kỹ năng điều dưỡng. Hạn chế của nghiên cứu này là những người tham gia chỉ được nhận được hướng dẫn thông qua lời nói, trong khi những giá trị mà nghệ thuật thị giác đem lại nhiều hơn những gì ngôn từ có thể miêu tả. Mặt khác, các nghiên cứu tương tự cho thấy những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao mà học viên được xem có liên quan mật thiết đến việc nâng cao khả năng học tập (Bonaiuto & al., 2002)..
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào những trải nghiệm cảm xúc có được từ việc tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật đa dạng lại giúp con người học tập tốt hơn, hiệu quả hơn, và liệu việc nghệ thuật giúp phát triển các ngành nghề khác nhau (giáo dục, trị liệu,…) có phải là minh chứng cho sự thật rằng có một cơ chế chung trong việc hình thành nhận thức cũng như hình thành cảm xúc? Ở đây, chúng tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi đó rằng: quá trình trải nghiệm cái đẹp của nghệ thuật đã kích thích vùng tưởng thưởng của não bộ, đem lại cảm giác thoải mái, những cảm xúc tích cực từ đó cải thiện tinh thần, giúp con người tăng khả năng học hỏi.
Sự liên kết giữa não bộ và Trải nghiệm Thẩm mỹ
Rất nhiều nghiên cứu cho đến nay đã chứng minh được tác dụng của nghệ thuật trong giáo dục, rằng nó ảnh hưởng tích cực đến tâm sinh lý, từ đó cải thiện tinh thần và quá trình học tập. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự ảnh hưởng của nghệ thuật với tâm lý vẫn còn chưa rõ ràng, bởi vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm ra được yếu tố khiến trải nghiệm nghệ thuật tác động đến quá trình xử lý cảm xúc cũng như tạo khoái cảm.
Dưới đây, chúng tôi xem xét một số yếu tố thần kinh thẩm mỹ, mô tả chi tiết những hoạt động của hệ thần kinh, nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa trải nghiệm thẩm mỹ và sự kích hoạt các trạng thái cảm xúc, từ đó có cái nhìn rõ hơn về trải nghiệm thẩm mỹ và cách trải nghiệm này tạo ra những cảm xúc thẩm mỹ và sự tích cực ở con người. Hơn nữa, chúng tôi cũng liên hệ với những quy trình có ảnh hưởng tới quá trình xử lý thẩm mỹ ở con người .
Từ quan điểm tâm lý học, người ta cho rằng quá trình nhận thức tác phẩm nghệ thuật tác động và tạo ra cảm giác dễ chịu, tích cực. Theo mô hình giai đoạn xử lý thông tin thẩm mỹ của Leder và đồng nghiệp theo nghiên cứu năm 2004, cảm xúc tích cực xuất hiện khi tác phẩm nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người đánh giá. Tác phẩm càng dễ hiểu, ít mơ hồ, khiến người xem dễ dàng cảm nhận được tính thẩm mỹ, thì xác suất cảm xúc tích cực xuất hiện càng cao (Leder & al., 2004). Khi những trải nghiệm thẩm mỹ được thỏa mãn liên tục, những hệ quả tích cực càng dễ xảy ra. Lâu dài sẽ giúp tâm trạng tốt hơn (Scherer, 2005), cải thiện sức khỏe và tinh thần học tập. Tương tự, một số nghiên cứu sinh lý học thần kinh cũng cho thấy, việc trải nghiệm thẩm mỹ thường xuyên được thỏa mãn giúp người xem dễ dàng hiểu một tác phẩm nghệ thuật hơn, và tăng cường nảy sinh cảm xúc tích cực (Gerger & Leder, 2015; Mastandrea, 2015; Mastandrea & Umiltà, 2016). Điều này đi kèm với những hoạt động thần kinh quy mô lớn hơn ở thùy trán, vỏ não trước, và các cung liên quan đến hệ thống tưởng thưởng của não bộ và cảm xúc (Kawabata & Zeki, 2004; Kirk & al., 2009).
Mặt khác, nhiều giả thuyết khác nhau về cảm xúc có đề cập đến nghịch lý rằng con người có thể tìm thấy niềm vui từ cảm xúc tiêu cực trong nghệ thuật (Juslin, 2013; Sachs & al., 2015; Menninghaus & al., 2017). Một vài tác giả cho rằng khoảng cách tâm lý của người xem với những gì được mô tả trong các tác phẩm, đến từ nhận thức của cá nhân đối với sự vật hiện tượng, làm giảm các tác động tới cảm xúc người xem và cho người xem có cái nhìn khách quan hơn về tính nghệ thuật. Giải thích về “khoảng cách tâm lý” này trở thành cơ sở cho sự khác biệt giữa cảm xúc nghệ thuật và cảm xúc thực dụng (Frijda, 1988; Scherer, 2005). Cái nhìn khách quan giúp cho các tác phẩm có cảm xúc tiêu cực được đánh giá đúng đắn hơn. Trong trường hợp này, cảm xúc tiêu cực như buồn bã và phiền muộn được chuyển hóa thành niềm vui và phản ứng đồng cảm (Menninghaus & al., 2017). Theo đó, bối cảnh nghệ thuật ảnh hưởng đến đánh giá thẩm mỹ của tác phẩm, những phản ứng đó được đo lại bằng điện cơ trên khuôn mặt (EMG). Cụ thể, những yếu tố tác động đến người xem được coi là có giá trị nghệ thuật có khả năng khiến người xem đánh giá các tác phẩm có nội dung tiêu cực một cách tích cực hơn, tương đương việc họ sẽ “thích” chúng hơn. Nói cách khác, có thể có một mẫu số chung mang khuynh hướng tích cực trong việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật (Gerger & al., 2014).
Phản ứng tích cực trước các cảm xúc tiêu cực trong quá trình thưởng thức nghệ thuật đã được nghiên cứu rộng rãi trong âm nhạc (Vuoskoski & al., 2012; Juslin, 2013; Kawakami & al., 2013; Taruffi & Koelsch, 2014; Sachs & al., 2015). Dựa theo sơ đồ BRECVEMA được xây dựng bởi Juslin (2013), thì việc thưởng thức nỗi buồn trong âm nhạc bắt nguồn từ sự kết hợp của 2 yếu tố chính – truyền cảm và đánh giá thẩm mỹ, tạo ra những phản ứng cảm xúc lẫn lộn. Ví dụ khi nghe nhạc buồn, người ta có thể trải nghiệm nỗi buồn từ sự truyền cảm, và đánh giá cái đẹp của tác phẩm một cách tích cực (Juslin, 2013). Một số tác giả đã miêu tả lợi ích của nghe nhạc đến sức khỏe tâm lý, rằng con người dùng âm nhạc để giúp tăng cảm xúc tích cực, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực (Taruffi & Koelsch, 2014; Sakka & Juslin, 2018). Tương tự, một sơ đồ phái sinh khác của Sachs và đồng nghiệp (2015) lại cho rằng niềm vui khi nghe nhạc buồn đến từ cơ chế cân bằng nội môi với mục đích thúc đẩy cảm xúc ổn định. Ví dụ, một người đang trải qua nỗi đau về cảm xúc và dễ bị đắm chìm trong suy nghĩ của bản thân sẽ tìm thấy niềm vui khi nghe nhạc buồn, bởi việc tập trung vào trải nghiệm thẩm mỹ, đánh giá tính thẩm mỹ của tác phẩm giúp họ thoát khỏi nỗi đau, cải thiện tâm trạng. Thực nghiệm cũng cho thấy việc nghe nhạc buồn cũng sẽ tác động đến hệ thống não bộ, những vùng liên quan đến kích thích giá trị nội môi, hay đơn giản là cảm xúc, tâm trạng, chẳng hạn như những kích thích có liên quan đến thức ăn, tình dục và sự thân mật (Berridge & Kringelbach, 2015; Sachs & al., 2015).
Từ những nghiên cứu trong âm nhạc, ta có thể đặt giả thiết rằng niềm vui khi tiếp xúc nghệ thuật thị giác dựa trên : (1) sự truyền cảm được đưa tới người xem thông qua tác phẩm; (2) việc coi rằng cảm xúc tiêu cực được truyền tải là không thực tế mà chỉ là hư cấu; (3) sự điều tiết cảm xúc; (4) sự đánh giá tính thẩm mỹ của nghệ thuật. Nếu cái đẹp được thỏa mãn, trải nghiệm thẩm mỹ đó được tính là có ích. Sự tương tác giữa các yếu tố để tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ thú vị đã được mô tả rộng rãi trong các lý thuyết về xử lý thẩm mỹ (e.g., Sachs & al., 2015; Menninghaus & al., 2017; Pelowski & al., 2017). Bài viết này sẽ không đi sâu vào nghiên cứu quy trình phức tạp đó, mà ở đây, ta tập trung hơn vào một phần của quy trình – tính truyền cảm, sự điều chỉnh cảm xúc, niềm vui – để tìm ra một công thức chung về việc xử lý cảm xúc trong hệ thần kinh, bằng những nghiên cứu hình ảnh thần kinh neuroimaging và đo lường các trạng thái sinh lý.
Neuroaesthetics
Neuroaesthetics – Ngành nghiên cứu thần kinh thẩm mỹ – là một ngành mới gần đây, nghiên cứu về mối quan hệ giữa hệ thần kinh với việc trải nghiệm thẩm mỹ, cụ thể là trong nghệ thuật thị giác (Chatterjee & Vartanian, 2016). Việc sử dụng nhiều kỹ thuật hình ảnh thần kinh khác nhau, ví dụ như chụp cộng hưởng từ chức năng hóa (fMRI), chụp não đồ (MEG), và điện não đồ (EEG), cho ra những kết quả khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào thùy trán (OFC), hay cụ thể hơn là trung tâm thần kinh cảm xúc và hệ thống tưởng thưởng, hay những vùng tương tự liên quan đến trải nghiệm thẩm mỹ nghệ thuật (Kawabata & Zeki, 2004; Di Dio & Gallese, 2009; Ishizu & Zeki, 2013), và kết quả đều cho thấy trải nghiệm thẩm mỹ là có ích và tác động tích cực đến cảm xúc và tạo sự thỏa mãn (Leder & al., 2004). Sử dụng fMRI, người ta đã chỉ ra rằng việc đánh giá thẩm mỹ nghệ thuật có sự tham gia chọn lọc của các vùng ở thùy trán, không phân biệt thể loại (nghệ thuật thị giác, kết cấu hình ảnh, âm nhạc,…) (Blood & al., 1999; Kawabata & Zeki, 2004; Tsukiura & Cabeza, 2011; Jacobs & al., 2012; Zeki & al., 2014). Hơn nữa, chức năng của thẩm mỹ là khiến hoạt động trao đổi chất ở trong những khu vực não bộ này tăng một cách tuyến tính, nhưng khi đánh giá tác phẩm hội họa thì lại khác (Ishizu & Zeki, 2013). Điều này chứng tỏ niềm vui đối với tác phẩm hội họa được tạo một cách trung gian thông qua hệ thống tưởng thưởng của não bộ. Tương tự, sử dụng MEG – chụp não đồ – để ghi lại các tiềm năng được khơi gợi khi xem hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật và ảnh chụp, nghiên cứu của Cela-Conde và đồng nghiệp (2014) cho kết quả rằng vỏ não trước trán bên trái (DLPFC) phản ứng nhiều hơn với những hình ảnh được đánh giá là đẹp, so với khi xem những hình ảnh xấu. Điều thú vị là, Vartanian và Goel (2014) đã chứng minh được một mô típ não đồ lặp lại tại hệ thần kinh được kích thích khi có cảm giác dễ chịu và khó chịu. Cụ thể, họ phát hiện ra cả hai bên thùy chẩm và thùy đỉnh bán cầu não trái kích thích nhiều hơn khi nhận được cảm giác thoải mái, trái lại với cảm giác khó chịu thì sự kích thích nằm ở nhân đuôi bên phải (Vartanian & Goel, 2004). Với phát hiện về hoạt động trong nhân đuôi giảm khi nhận thấy cảm giác tiêu cực, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết rằng: việc dừng kích thích ở nhân đuôi trái sẽ giảm các kích thích liên quan đến hệ thống tưởng thưởng của não bộ (Vartanian & Goel, 2004). Cùng từ phát hiện trên, một nghiên cứu gần đây của Ishizu và Zeki (2017) đã chỉ ra rằng, những hình ảnh được đánh giá là đẹp nhưng khơi gợi cảm xúc trái ngược (vui – buồn) đã điều chỉnh hoạt động trong thùy trán trước não, đồng thời cũng kích thích các khu vực được cho là có liên quan đến trạng thái cảm xúc tích cực – chẳng hạn tại như thùy thái dương (TPJ) và hồi trên viền (SMG), và những trạng thái cảm xúc tiêu cực – chẳng hạn tại tiểu thùy đỉnh dưới (IPL) và thùy trán giữa (MFG). Tương tự với những phát hiện này, các lý thuyết nhận thức biểu hiện – Embodied Cognition – cho rằng cảm xúc của con người với tác phẩm nghệ thuật có thể được thể hiện qua hình thức mô phỏng biểu hiện (Freedberg & Gallese, 2007; Azevedo & Tsakiris, 2017) và hành động (Gerger & al., 2018). Ủng hộ giả thuyết này, các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh phát hiện ra rằng, sự đánh giá thẩm mỹ của con người trước những bức tranh đề tài “con người và thiên nhiên” được điều chỉnh bởi sự kích thích của một hệ thần kinh vận động. Đó chính là hệ thống vận động vỏ não, bao gồm cả vùng đỉnh và vùng tiền vận động (Di Dio & al., 2015). Điều này cho thấy rằng các tác phẩm nghệ thuật “tràn đầy sức sống” có thể tác động tới hệ thần kinh vận động thông qua các chức năng điều chỉnh hành động và cảm xúc (Freedberg and Gallese, 2007).
Vì vậy, trải nghiệm nghệ thuật là một hành động tự thưởng cho bản thân, không phân biệt nội dung, cảm xúc của tác phẩm. Phát hiện này được khẳng định bởi các nghiên cứu trước đó cho thấy khi đặt trong bối cảnh nghệ thuật, cảm xúc tích cực của người xem khi đối diện với một tác phẩm có tính tiêu cực có xu hướng tăng (Gerger & al., 2014). Áp dụng một cái nhìn khách quan, sâu rộng trong việc tiếp nhận nghệ thuật có thể tạo ra trạng thái cảm xúc tích cực, bất kể nội dung cảm xúc của tác phẩm (Leder et al., 2004; Menninghaus et al., 2017). Hơn nữa, có vẻ như cảm xúc nghệ thuật và cảm xúc thực dụng sử dụng cùng một chất nền thần kinh trong hệ thống não bộ liên quan đến cảm xúc và tưởng thưởng.
ㅡ
Hết phần 2
(Còn tiếp)
.
Bài viết gốc "Art and Psychological Well-Being: Linking the Brain to the Aesthetic Emotion", bởi Stefano Mastandrea, Sabrina Fagioli, và Valeria Biasi, đăng tải trên Nền tảng Khoa học truy cập mở Frontiers
Lược dịch bởi Artplas
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments