top of page
  • Writer's pictureartplasrenseignement

Nghệ thuật và Sức khỏe tâm lý ❯❯❯ Phần 1

Updated: Mar 2, 2022

Sự liên kết của não bộ với cảm xúc thẩm mỹ


Nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng nghệ thuật cải thiện sức khỏe và tâm lý của con người. Tuy nhiên, cách con mắt thẩm mỹ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức và trạng thái cảm xúc, để cải thiện tâm sinh lý, thì còn là một câu hỏi.


Trong bài viết này, ta sẽ bàn về cách cảm xúc tích cực được hình thành từ trải nghiệm thẩm mỹ ảnh hưởng đến tâm trạng, từ đó gián tiếp cải thiện tâm sinh lý. Đầu tiên, ta sẽ nghiên cứu những bằng chứng chứng minh rằng nghệ thuật tăng cường cảm giác hạnh phúc, bao gồm ảnh hưởng từ các bảo tàng nghệ thuật, tại những cơ sở chăm sóc sức khỏe, và trong giáo dục. Thứ hai, ta sẽ xem xét những nghiên cứu neuroimaging – nghiên cứu hình ảnh thần kinh – đề cập đến trải nghiệm thẩm mỹ và xử lý cảm xúc. Đặc biệt, chúng tôi đã tận dụng sự tiến bộ của neuroaesthetics – nghiên cứu thần kinh thẩm mỹ của con người – để tìm hiểu các giả thuyết khác nhau về cách con người đánh giá tính thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật, từ đó tìm ra đáp án cho câu hỏi “Nghệ thuật cải thiện tâm lý như thế nào?”. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra các nghiên cứu về trải nghiệm thẩm mỹ và số liệu đo lường mức độ căng thẳng thần kinh, với mục tiêu thúc đẩy sử dụng nghệ thuật như một biện pháp trị liệu giúp cải thiện tâm lý và sức khỏe.


Bài nghiên cứu “Nghệ thuật và Sức khỏe Tâm lý” được chia làm 3 phần :

  • Phần 1 : Lời nói đầu, Thưởng thức Nghệ thuật và Sức khỏe con người

  • Phần 2 : Nghệ thuật và Giáo dục, Sự liên kết giữa não bộ và trải nghiệm thẩm mỹ

  • Phần 3 : Mối liên hệ giữa Nghệ thuật và Cảm xúc, Tổng kết.

Mời các bạn độc giả đón đọc Phần đầu tiên.


 

Trải nghiệm thẩm mỹ liên quan đến cách tiếp nhận, đánh giá sự vật hiện tượng mang tính chất thẩm mỹ, cái đẹp, khiến cho con người cảm nhận thấy thỏa mãn. Sự thỏa mãn không nhất thiết phải xuất phát từ tính thực dụng của sự vật, hiện tượng, mà còn có thể là sự liên kết của bản thân với đối tượng thẩm mỹ đó, phụ thuộc vào cá nhân từng người. Do đó, sự thỏa mãn thẩm mỹ không được quan tâm nhiều (Kant, 1790). Trải nghiệm thẩm mỹ có thể đến từ việc đánh giá các tác phẩm của con người (thơ ca, điêu khắc, âm nhạc,…) hoặc các kì quan trong thiên nhiên như cảnh hoàng hôn, đồi núi. Trong bài viết này, ta sẽ nói về trải nghiệm thẩm mỹ liên quan đến tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác.


Lời nói đầu


Trải nghiệm thẩm mỹ xảy ra ở mọi nơi (bảo tàng, phòng tranh, nhà thờ,…). Một số quan điểm tâm lý học cho rằng, trải nghiệm thẩm mỹ là một quá trình đáp ứng khoái cảm và các quan điểm này dẫn khởi một sự gắn kết giữa trải nghiệm thẩm mỹ và sự thỏa mãn (Berlyne, 1974; Leder & al., 2004; Silvia, 2005). Những nghiên cứu gần đây thì lại chỉ ra rằng, nghệ thuật có thể cải thiện tâm sinh lý và trở thành một “liều thuốc” cho nhiều người, như thanh thiếu niên, người già và những người dễ tổn thương. Trải nghiệm thẩm mỹ còn được kết hợp với thiền tịnh tâm, giúp tăng sự nhạy cảm, tinh tế trong việc tiếp xúc với các đối tượng khác. Tuy nhiên, trải nghiệm thẩm mỹ tác động thế nào đến nhận thức và trạng thái cảm xúc, cũng như làm thế nào để cải thiện tâm sinh lý con người, thì còn là một vấn đề đang bàn cãi. Một số những giả thuyết hiện đại đã được đưa ra cho thấy tầm quan trọng của trải nghiệm thẩm mỹ đối với nhận thức và trạng thái cảm xúc. Chủ đề chung của những giả thiết này đều nói về việc: quá trình thẩm định một tác phẩm nghệ thuật đến từ đặc tính kích thích mà cơ thể truyền lên não bộ và đánh giá nhận thức từ não bộ truyền xuống (Leder & al., 2004; Chatterjee & Vartanian, 2016; Pelowski & al., 2017). Những điều đó tác động đến tâm trạng, từ đó cải thiện tâm sinh lý (Kubovy, 1999; Sachs & al., 2015).


Tương tự, nghiên cứu hình ảnh thần kinh neuroimaging cũng nhấn mạnh rằng: phản ứng cảm xúc tức thời với tác phẩm nghệ thuật hay những sự thay đổi liên tục có cường độ thấp trong trạng thái cảm xúc (cf. Scherer, 2005) có liên quan đến chức năng của hệ thần kinh não bộ trong việc điều hòa cảm xúc, niềm vui. Chẳng hạn, những hình ảnh được đánh giá là đẹp sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng trong khu vực tưởng thưởng của não bộ, ví dụ như thùy trán, tạo ra cảm xúc tích cực hơn những hình ảnh xấu xí (Kawabata & Zeki, 2004). Hơn nữa, việc kích hoạt một mạng lưới xử lý cảm xúc bao gồm thể vân bụng và thể vân lưng, vùng vành cung vỏ não trước trán và vùng thùy thái dương cũng liên quan đến sự thay đổi tâm trạng khi nghe nhạc cổ điển (Mitterschiffthaler & al., 2007).


Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét các bằng chứng chỉ ra rằng nghệ thuật cải thiện tâm sinh lý, thông qua một vài lĩnh vực, và thảo luận về các vấn đề cơ bản liên quan đến thần kinh trong trải nghiệm thẩm mỹ, xử lý cảm xúc và niềm vui. Đặc biệt là ý tưởng rằng có một cơ chế sinh lý chung làm nền tảng cho các trường hợp trải nghiệm thẩm mỹ khác nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng nghệ thuật trong trị liệu cũng như trong giáo dục cũng sẽ được thảo luận.


Thưởng thức Nghệ thuật và Sức khỏe Con người


Những lợi ích đến từ việc thưởng thức nghệ thuật đã được chứng minh, từ những mô phỏng được thực hiện tại phòng thí nghiệm đến trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng nghệ thuật.


Trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày những nghiên cứu mà nội dung chính liên quan tác dụng tích cực của Nghệ thuật đến sức khỏe.


ㅡ Nghệ thuật trong Bảo tàng


Một vài nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc ứng dụng bảo tàng nghệ thuật như một phương pháp trị liệu (Treadon & al., 2006; Chatterjee & Noble, 2013). Những lợi ích đó bao gồm tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng, và giúp con người cởi mở hơn trong việc hòa nhập với xã hội. Đối tượng nghiên cứu bao gồm người lớn tuổi (Salom, 2011; Thomson & al., 2018), người có vấn đề sức khỏe tâm lý lâu dài (Colbert & al., 2013), người bị sa sút trí tuệ (Morse & Chatterjee, 2018) và người bị cô lập xã hội (Todd & al., 2017). Hơn nữa, trong một nghiên cứu với người bị sa sút trí tuệ và những người chăm sóc họ, cả phòng trưng bày nghệ thuật truyền thống và phòng trưng bày đương đại đều giúp họ cải thiện tinh thần, bao gồm tác động xã hội tích cực và nâng cao nhận thức (Camic & al., 2014).


Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định các yếu tố giúp bảo tàng trở thành một phương pháp lý tưởng cho việc trị liệu, trong đó có yếu tố tâm lý, xã hội, và cách bố trí môi trường (Salom, 2011; Camic & Chatterjee, 2013; Colbert & al., 2013; Morse & Chatterjee, 2018). Bảo tàng nghệ thuật và các tác phẩm mang đến một trải nghiệm thẩm mỹ mà khi đó những ký ức tươi đẹp được hồi tưởng (Biasi & Carrus, 2016), và có bằng chứng chỉ ra rằng những hoạt động này có ảnh hưởng đến tâm trạng, sự tự tin và cảm giác ở người cao tuổi (Chiang & al., 2009; O’Rourke & al., 2011; Eekelaar & al., 2012). Khác với bệnh viện và phòng khám, bảo tàng hay phòng trưng bày không phải môi trường có tính phân biệt cá nhân – có khả năng đem đến cảm giác tự ti về tuổi già và sức khỏe cho người lớn tuổi. Trái lại, môi trường nghệ thuật thúc đẩy con người ta tự nhìn lại chính mình và giao tiếp nhóm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trị liệu (Camic & Chatterjee, 2013).


Bằng những số liệu đo đạc tâm sinh lý, các nghiên cứu chỉ ra rằng tham quan bảo tàng nghệ thuật giúp giảm căng thẳng, từ đó cải thiện sức khỏe và tâm lý (Clow & Fredhoi, 2006; Mastandrea & al., 2018). Báo cáo của Clow và Fredhoi cho thấy, nồng độ cortisol trong nước bọt và số liệu đo đạc mức độ căng thẳng của 28 thanh niên khỏe mạnh giảm đáng kể sau chuyến tham quan Phòng Trưng bày Nghệ thuật Guildhall ở London. Tương tự, tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật cũng giảm huyết áp tâm thu (SBP), đồng nghĩa với việc người đó cảm thấy thoải mái (Mastandrea & al., 2018). Đặc biệt, 64 người khảo sát có giới tính nữ tham gia thử nghiệm được chỉ định tham quan 3 địa điểm ở Phòng Trưng bày Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại Rome: nghệ thuật tượng hình, nghệ thuật hiện đại, và văn phòng bảo tàng. Số liệu đo huyết áp và nhịp tim trước và sau chuyến tham quan đã được ghi lại, tương đương với các trạng thái cảm xúc của người tham quan tại lần lượt ba địa điểm. Kết quả cho thấy chỉ có phòng trưng bày nghệ thuật tượng hình làm giảm huyết áp tâm thu. Về sự quan tâm, người tham gia nói họ đều thích cả hai trường phái nghệ thuật, từ đó suy ra rằng, việc giảm huyết áp tâm thu không liên quan đến việc họ có thích trường phái nghệ thuật đó hay không. Theo thuyết chuyển hóa trạng thái tâm lý – Fluency theory, quá trình cảm nhận nghệ thuật càng dễ dàng thì phản ứng cảm xúc tích cực càng tăng (Reber & al., d2004). Do đó, có thể cho rằng việc giảm mức độ mơ hồ thường thấy trong nghệ thuật tượng hình rõ ràng có tác dụng thư giãn đối với các trạng thái sinh lý. Tuy nhiên, vì những người tham gia không được yêu cầu đánh giá tính dễ hiểu hoặc giá trị khoái cảm của tác phẩm nghệ thuật, nên không thể chắc chắn về tác dụng phục hồi của nghệ thuật tượng hình.


Hết phần 1


(Còn tiếp)


.

Bài viết gốc "Art and Psychological Well-Being: Linking the Brain to the Aesthetic Emotion", bởi Stefano Mastandrea, Sabrina Fagioli, và Valeria Biasi, đăng tải trên Nền tảng Khoa học truy cập mở Frontiers

Lược dịch bởi Artplas


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas


Post: Blog2 Post
bottom of page