top of page
  • Writer's pictureartplasrenseignement

Nghệ thuật vs. Thiết kế

bởi Craig A Elimeliah


Tôi đã đọc rất nhiều đầu sách và các bài báo về thiết kế và về nghệ thuật, về định nghĩa và cách triển khai của cả hai. Thú thật từ ngày tôi nhận ghế làm sản xuất, công việc quản lý đã chiếm trọn quỹ thời gian thiết kế của tôi. Trước kia, tôi yêu thích công việc thiết kế, và giờ đây, vẫn niềm vui đó, tôi được làm việc cùng các bạn thiết kế khác, và được làm thêm cả mọi khía cạnh trong quá trình sản xuất. Trong thời gian nghỉ ở nhà, tôi đã suy ngẫm về cách phân biệt giữa thiết kế và nghệ thuật, và tôi nghĩ mình đã tìm ra được một số ranh giới khá rõ ràng giữa hai phạm trù này, và xác định được khi nào ta có thể xóa nhòa ranh giới ấy.


Đầu tiên, theo hiểu biết của chính tôi, thì thiết kế, xét theo góc nhìn thương mại, là một quá trình rất rạch ròi và được tính toán vô cùng tỉ mẩn; mọi đường đi nước bước sẽ được cả nhóm thảo luận và triển khai kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo dự án đó đạt được mục tiêu. Khi đó, người thiết kế không khác người kỹ sư là bao: họ không chỉ cần có mắt thẩm mỹ và nhìn màu tốt, mà còn phải bám rất sát theo các chi tiết thực tiễn phục vụ cho nhu cầu của dự án. Từ “thiết kế” ám chỉ rằng có một chủ thể đã kỳ công tạo dựng ra “thứ” ấy, và có cả một quá trình suy tính lên kế hoạch đằng sau những hình ảnh hay thành phần trong dự án đó.


Mặt khác, nghệ thuật lại là một phạm trù hoàn toàn tách biệt - mỗi người nghệ sĩ giỏi đều có thể nói lên thông điệp hoặc thể hiện cảm xúc mà không bị gò bó bởi bất kỳ quy tắc cụ thể nào, mọi giới hạn đều nằm trong tay người nghệ sĩ. Nghệ thuật có khả năng gợi nên một suy nghĩ, một cảm xúc, giả như sự giản đơn hay sức mạnh, tình yêu hay nỗi đau, và toàn cảnh cứ thế tuôn ra từ bàn tay nhà tạo tác nghệ thuật. Người nghệ sĩ có khả năng tự do thể hiện mình thông qua mọi chất liệu, màu sắc, sử dụng mọi kỹ thuật họ cần để truyền tải thông điệp của mình. Họ không có nghĩa vụ phải thanh minh cho lý do họ làm cái này theo cách kia, chỉ cần biết rằng họ thấy đó là cách hay nhất để thể hiện cảm xúc hay thông điệp, tâm tư đó.


Nhiều người nghệ sĩ làm thiết kế, và cũng nhiều người làm thiết kế là nghệ sĩ, ranh giới giữa hai công việc này khá phức tạp và thú vị. Một ngày nọ, khi đang tham khảo mấy cuốn tuyển tập tranh, tôi phát hiện một điều khá kỳ lạ: rất nhiều họa sĩ, thay vì tạo ra bức chân dung nội tâm mình, độc nhất và hỗn loạn, lại xào lại những xu hướng sẵn có một cách lộ liễu chỉ để hút mắt người xem. Đập vào mắt tôi là những bức tranh “hoài niệm” phong cách, bảng màu của các họa sĩ đi trước, chỉ cập nhật lại một chút cho hợp thị hiếu hiện tại. Chính sự thật rằng lớp họa sĩ đi trước tạo cảm hứng cho những người đi sau dường như đang phản ngược lại toàn bộ khái niệm nghệ thuật. Những họa sĩ mới này đang tuân theo cách thức, thói quen và tiêu chuẩn đã được một người khác đặt ra, dẫn đến việc họ không sáng tạo ra bất kỳ thứ gì mới lạ, thay vào đó là làm theo lối mòn do người khác hoặc, biến tác phẩm đó ngày càng giống thiết kế hơn là nghệ thuật.


Tôi rất trân trọng những đường lối do các nghệ sĩ đi trước khai mở, những cá nhân đã gây dựng nên nhiều phong cách và kỹ thuật mới, nhưng giờ đây có vẻ mỗi khi có ai đó sử dụng những đường lối cũ, tác phẩm sẽ từ hội họa chuyển thành thiết kế. Tôi đã xem qua vài tập tranh cũ hơn và cũng nhận thấy một hiện tượng khá rõ ràng hiển hiện trong các tác phẩm, rằng khá nhiều những nghệ sĩ mới đơn thuần chỉ đang bê nguyên những yếu tố sẵn có trong quá khứ vào tác phẩm. Tôi khâm phục khả năng của họ khi có thể cầm cây bút lên và tạo ra một hình ảnh gây được tác động lên người xem, nhưng khi thấy hình ảnh đó lặp đi lặp lại qua bàn tay của nhiều người khác nhau dưới danh nghĩa “theo trường phái…”, rồi khẳng định rằng ấy là dòng nghệ thuật độc đáo và chính thống, tôi lại thấy ngang tai. Nếu người họa sĩ đó nói rằng, “Tôi đã thiết kế tác phẩm này theo chuẩn của Picasso,” và tác phẩm đó đơn thuần là một thiết kế dựa trên phong cách của Picasso cùng một chút biến tấu, khi đó tôi rất sẵn lòng chấp nhận rằng đúng, ấy là một thiết kế. Nhưng khi một nghệ sĩ giống hệt một người đi trước từ phong cách cho đến kỹ thuật, thì kể cả khi thông điệp của họ có khác nhau, tôi cũng không cảm thấy ấy là nghệ thuật chân chính nữa. Bởi lẽ, bản chất phóng khoáng và mới mẻ tuôn trào từ khởi nguồn nguyên bản đã chẳng còn xuất hiện ở đây, và cuối cùng, thì tác phẩm ấy rồi chẳng khác nào một bức tranh tô màu, thay vì một sáng tạo độc nhất, chưa từng thấy.


Tôi không dám tự cho mình là chuyên gia để đưa ra định nghĩa cái gì là nghệ thuật và cái gì không, nhưng tôi biết chắc rằng nếu ta nhìn vào nghệ thuật và thiết kế, ta có thể xác định được ranh giới rất rõ ràng nằm giữa hai phạm trù. Một người kỹ sư, nếu được đưa số liệu và chỉ dẫn chính xác đặt cái gì vào đâu, có thể tạo ra một trang web hay biển quảng cáo tuyệt đẹp; phần lớn các dự án thiết kế đều có một hệ thống chỉ dẫn cụ thể, và đa số thiết kế đều dựa trên những xu hướng và trào lưu mới nhất. Mặt khác, một người nghệ sĩ sẽ không thể làm theo chỉ dẫn để tạo ra một tác phẩm độc nhất vô nhị, đơn thuần vì tâm hồn họ lèo lái bàn tay vẽ, và cảm xúc chi phối cách họ lựa chọn sử dụng chất liệu. Không có người chỉ đạo nghệ thuật nào lại đi mắng chửi người họa sĩ vì một tác phẩm hoàn toàn độc đáo hết, vì đó chính là sự khác biệt giữa họa sĩ và thiết kế.


Tôi cảm thấy rằng những người làm thiết kế thực sự đam mê công việc của mình nên thử bỏ thời gian ra làm nghệ thuật chỉ để sáng tạo, và tự rèn giũa cách thể hiện cảm xúc qua các tác phẩm. Dấu ấn cá nhân và nét độc nhất bắt nguồn từ đam mê và khả năng phớt lờ mọi khuôn phép, thứ khuôn phép ép người ta phải tính toán dù chỉ một nét bút. Thị trường từ lâu đã điều khiển mọi xu hướng thiết kế, và đã vạch ra ranh giới rất rõ ràng giữa nghệ sĩ và nhà thiết kế. Chạy theo trào lưu và sử dụng hình ảnh dựa theo nhu cầu và mục tiêu cụ thể là quá dễ dàng. Cho phép bản thân được thể hiện thông điệp và cảm xúc cá nhân, không bị ràng buộc mới là lúc nghệ thuật thực sự được tạo ra. Những ai muốn là người đi đầu một trào lưu mới, tạo ra xu hướng mới, phải là người tạo ra những tác phẩm phóng khoáng, hỗn độn nhưng cũng thực sự độc nhất, nhằm thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân, để rồi áp dụng những điều ấy vào các sản phẩm thiết kế trong công việc của họ. Theo tôi, đó chính là điểm cân bằng hài hòa nhất giữa nghệ thuật và thiết kế.


.


Bài viết gốc "Art vs. Design", bởi Craig A Elimeliah, đăng tải ngày 13 Tháng Một năm 2016, tại AIGA Lược dịch bởi Artplas


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas

Post: Blog2 Post
bottom of page