top of page
Writer's pictureartplasrenseignement

Mối tương quan giữa Nghệ thuật vs Tâm lý ❯❯❯ Phần 3



“Nghệ thuật mời gọi con người tham gia đóng góp vào cuộc sống xã hội và để lại những tác động đáng kể trong việc cải thiện đời sống con người, trước khi gặp những vấn đề về rối loạn tâm thần. Sự sẵn sàng của mọi người khi đối mặt với những sự vận động, ngôn từ, biểu cảm khác nhau hay sức tưởng tượng trong nghệ thuật cũng như những công việc liên quan đến nghệ thuật sẽ không chỉ cải thiện tình trạng tinh thần và tâm lý, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của nền kinh tế.”


Đây cũng chính là đoạn kết cho Phần 2 về Lịch sử phát triển của Tâm lý học Nghệ thuật trong bài nghiên cứu về ‘Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý’ của chúng ta. Cùng đón đọc Phần 3 để biết thêm về các chất liệu và phương pháp mà nhóm nghiên cứu đã sử dụng để mang tới cho chúng ta bản nghiên cứu ngày hôm nay, cũng như kết quả rút ra và các vấn đề còn cần thảo luận sau nghiên cứu này, rằng "Bằng một số phương pháp cụ thể, nghệ thuật đã giúp con người thư giãn và sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật mang tính chất thẩm mỹ cao có thể giúp nâng cao nhận thức về lòng tự trọng và ý thức của mỗi cá nhân."


Bài viết được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm Kamali Nader thuộc Đại học Hormozgan và Javdan Moosa thuộc Đại học Islamic Azad - Iran, lược dịch bởi Artplas, sẽ được chia làm 3 phần : ㅡ Phần 1 : Sơ lược nội dung, Giới thiệu mở đầu ㅡ Phần 2 : Lịch sử phát triển Tâm lý học Nghệ thuật từ năm 1950 ㅡ Phần 3 : Các chất liệu nghiên cứu và phương pháp, Kết quả nghiên cứu và Thảo luận


 

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ TÂM LÝ

❯❯ Phần 3 : Các chất liệu nghiên cứu và phương pháp, Kết quả nghiên cứu và Thảo luận


Bài viết gốc “The Relationship between Art and Psychology” bởi Kamali Nader và Javdan Moosa, đăng tải trên Journal of Life Science and Biomedicine, 2011 Lược dịch bởi Artplas


Các chất liệu nghiên cứu và phương pháp

Đây là một loại nghiên cứu mang tính chất mô tả và định tính, được phân vào nhóm các nghiên cứu thư viện, qua việc thu thập dữ liệu từ sách, tạp chí và các nghiên cứu đáng tin cậy khác.


Kết quả


Dữ liệu thu thập được cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, nghệ thuật là một công cụ hữu ích trong giáo dục, giúp củng cố tinh thần và tư tưởng. Theo các kết quả nghiên cứu hiện nay, nghệ thuật có một mối quan hệ rất chặt chẽ với tâm hồn của con người. Mối quan hệ này và tác động của nghệ thuật đã được phát triển tới mức có một chuyên ngành học thuật riêng, chính là tâm lý học nghệ thuật. Chuyên ngành này luận đàm về sự hiểu biết và đặc điểm của nghệ thuật, cũng như của các tác phẩm nghệ thuật đã được tạo ra. Cụ thể hơn, tâm lý học cấu trúc và môi trường là hai nhánh lớn của chuyên ngành.


Tâm lý học cấu trúc xem xét các đặc điểm của tâm trí khi tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật, tuy nhiên, tâm lý học môi trường lại phản ánh điều kiện môi trường ảnh hưởng đến tâm hồn nghệ sĩ hoặc tác động của nghệ sĩ tới các điều kiện bên ngoài/xung quanh. Tất cả những người có hứng thú với âm nhạc, kiến ​​trúc; bên cạnh đó, hội họa, điêu khắc và các ngành nghệ thuật khác rất coi trọng các khái niệm nghệ thuật. Một khái niệm khác cho rằng nghệ thuật là một vấn đề được khái niệm hóa, nhằm chỉ ra đặc tính liên tục của văn hóa; bằng cách hiểu rõ nghệ thuật, tính liên tục của văn hóa này có thể được nhận thức cụ thể, và do đó sự tương tác giữa nghệ thuật và tâm lý có thể mang lại một ý nghĩa đặc biệt cho các hoạt động nghệ thuật, mà ở đó người ta có thể thấy được sự sáng tạo của con người. Sự phát triển của tâm lý học nghệ thuật trong những thập kỷ gần đây đi kèm với sự phát triển của lịch sử nghệ thuật, và vai trò của nghệ thuật trong việc điều trị các rối loạn tâm thần và tâm lý là một trong những dấu hiệu chứng minh cho mệnh đề này.


Nhiều nhà tâm lý học và nghệ sĩ như Sigmund Freud, Heinrich Wölfflin, Johannes Vermeer, Muller Freienfels và Georg Wilhelm, sống từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ môn tâm lý học nghệ thuật. Họ đã cố gắng trong việc tìm cách để chứng minh rằng nghệ thuật có tiềm năng tạo ra mối quan hệ tích cực và có liên hệ hiệu quả với tâm lý học, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau và với chính nội tâm của mỗi người.


Thảo luận


Bằng một số phương pháp cụ thể, nghệ thuật đã giúp con người thư giãn và sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật mang tính chất thẩm mỹ cao có thể giúp nâng cao nhận thức về lòng tự trọng và ý thức của mỗi cá nhân.


Các cuộc điều tra cho thấy rằng, khi các cá nhân bị choáng ngợp bởi những khoái cảm, các yếu tố sinh lý như nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ chậm lại. Ngoài ra, việc sản xuất nghệ thuật cho ta cơ hội thực hiện một công việc đòi hỏi sự phối hợp hài hòa giữa mắt và tay. Bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích và cảm thụ, nghệ thuật giúp các cá nhân thể hiện ý tưởng phi ngôn ngữ của mình thông qua các kiệt tác, và đồng thời đem lại cảm giác thư thái.


Những người bận rộn trong việc sáng tạo nghệ thuật nên chia sẻ công việc sáng tác của họ với người khác, cho đến khi các thành viên trong nhóm có thể cùng nhau thảo luận và phân tích tác phẩm. Kết quả của việc tham gia nhóm sáng tạo là khả năng tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật mà khía cạnh tâm lý được ưu tiên hơn là thiên hướng thẩm mỹ. Tác phẩm nghệ thuật có được trong quá trình này có thể là một cơ hội để chia sẻ động lực và phân tích những nhận thức trực quan, cũng như tổng quát hóa các nghịch lý và cảm xúc.


Ngoài tác dụng về khía cạnh thư giãn tâm lý và tinh thần, nghệ thuật còn làm xoa dịu và thậm chí điều trị các rối loạn về hành vi và tâm thần. Ví dụ, những bệnh nhân gặp khó khăn trong các vấn đề về thể chất và cảm xúc, không thể nói lên nỗi sợ hãi và mong muốn, hay không có khả năng nói về sự lo lắng và cảm xúc phức tạp của họ, có thể có tiềm năng trong việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Qua tác phẩm nghệ thuật, họ sẽ có khả năng thể hiện rõ cách suy nghĩ hoặc cảm giác của họ trong tiềm thức.


Các khái niệm như nghệ thuật, tâm hồn, tình yêu, vẻ đẹp, mối quan hệ, công lý, sự hoàn hảo và tự do trong mỗi lĩnh vực của cuộc sống đều có ý nghĩa cụ thể của riêng nó. Nói cách khác, hoàn toàn khả thi để có thể tìm thấy một ý nghĩa, hoặc một mức độ cụ thể riêng cho mỗi khái niệm trên, trong một khía cạnh bất kì của cuộc sống.


Do đó, đã đến lúc phải nói rằng tâm hồn nghệ thuật truyền cảm hứng cho cơ thể con người, là ngọn nguồn lý do hình thành khả năng di chuyển hoặc ý nghĩa của cơ thể vật chất, mặc dù vậy, tâm hồn cũng có thể đáp ứng nhu cầu vật chất của con người, ví dụ như trong trường hợp của nhục cảm. Điều này thể hiện khả năng rằng những tâm hồn thánh thần đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ cũng dồn sự tập trung vào những nhu cầu về mặt tinh thần.


Nói cách khác, ở mọi trạng thái, nghệ thuật là lý do cho sự chuyển động, là ý nghĩa và cũng là chất liệu tạo nên cuộc sống của con người. Dựa trên loại hình nghệ thuật và mức độ của các nguyên tắc tâm linh, ý nghĩa của các thành phẩm nghệ thuật sẽ có tác động khác nhau tới các giai đoạn khác nhau của cuộc sống.


Do đó, sự sống động của cơ thể vật chất thể hiện qua nghệ thuật và cách con người chuyển đổi từ đời sống vật chất thuần túy sang đời sống tinh thần có quan hệ trực tiếp tới mức độ mà nghệ thuật được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc tâm linh. Những nguyên tắc này sẽ nằm trong một phổ rộng bao trùm từ các giá trị nhân tạo tới các giá trị thực tế.


Từ đó, ta có thể đi đến kết quả rằng, nghệ thuật có mối quan hệ rất chặt chẽ với tâm hồn con người và nó đã phát triển đến mức trở thành một nhánh mới trong các chủ đề về tri giác, tức là tâm lý học nghệ thuật – bộ môn khoa học này nói về nhận thức và phẩm chất của nghệ thuật cũng như quá trình sản xuất ra chúng. Ngoài ra, mọi người luôn có khả năng bộc lộ cảm xúc của cá nhân họ thông qua một tác phẩm nghệ thuật.


Ví dụ, liệu pháp nghệ thuật được biết tới là một phạm trù sử dụng trong quá trình trị liệu. Tâm lý học ứng dụng nghệ thuật để bộc lộ những cảm xúc ẩn giấu và giúp điều trị thể chất, tạo cảm giác tự tin và hỗ trợ phục hồi. Các nhà tâm lý học cho trẻ em và bác sĩ gia đình hầu hết đều sử dụng liệu pháp nghệ thuật thay vì sử dụng những lời nói mang tính cảm xúc tạo ra những áp lực khiến trẻ phải chịu đựng. Vì vậy, tâm lý học nghệ thuật là một phần quan trọng trong các hoạt động giúp tạo niềm vui, sự nhiệt tình và động lực tích cực để thoát khỏi những mệt mỏi về tinh thần và thể chất. Chắc chắn rằng đây sẽ là một nguồn năng lượng tích cực và thư giãn trong cuộc sống hiện đại ngày nay.


.


Bài viết gốc “The Relationship between Art and Psychology” bởi Kamali Nader và Javdan Moosa, đăng tải trên Journal of Life Science and Biomedicine, 2011

Lược dịch bởi Artplas


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page