Như đã nói ở các bài viết trước, ngày hôm nay, chúng mình cũng đi sâu với vào tìm hiểu bậc học Cử nhân ngành Arts Plastiques qua ví dụ trực quan nhất là chương trình mà mình đã theo học tại Đại học Rennes 2 - Université Rennes 2 Haute Bretagne.
Tương tự với nhiều ngôi trường có chương trình giảng dạy về Nghệ thuật khác trên toàn nước Pháp, Rennes 2 có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho ngành với nhiều trang thiết bị như máy in 3D, máy in cỡ lớn, dụng cụ in bản thạch (lithography) ; studio quay - chụp hình, phòng tráng ảnh phim. Đây là một trong những ngôi trường học Đại học công lập có cơ sở vật chất được đầu tư nhất vùng Bretagne cho ngành Nghệ thuật. Ngay trong trường cũng là cơ sở của Trung tâm Tài nguyên và Nghiên cứu nghe nhìn (CREA), nơi mà học sinh - sinh viên có thể mượn các thiết bị phục vụ quá trình quay - chụp như máy ảnh, chân máy, chống rung, thẻ nhớ, thậm chí là TV thời cũ nếu bạn có nhu cầu sử dụng cho dự án của mình.
Mục tiêu chương trình học
Là cơ sở giáo dục duy nhất giảng dạy ngành Arts Plastiques tại miền Tây nước Pháp, bên cạnh các tiết học đào tạo kỹ thuật như vẽ, chụp ảnh, làm phim và các tiết học lý thuyết về Nghệ thuật như Lịch sử Nghệ thuật, Thẩm mỹ và tương quan giữa Nghệ thuật và Xã hội, chương trình học tại Rennes 2 còn cung cấp các phương pháp và kiến thức để sinh viên phát triển khả năng sáng tạo của bản thân cũng như xây dựng và bảo vệ quan điểm nghệ thuật cá nhân. Về cơ bản, đây cũng là chương trình của các khóa học Arts Plastiques nói chung.
Theo thông tin trong sổ Hướng dẫn ngành tại Rennes 2, những kỹ năng mà bạn có thể có được sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân Arts Plastiques :
Thực hiện một dự án nghệ thuật cá nhân và nắm rõ các điều kiện hiện thực hóa dự án (hữu hình và vô hình) cũng như những được - mất khi thực hiện dự án.
Chọn được hình thức kỹ thuật phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng nghệ thuật
Nắm vững một số kỹ thuật thể hiện ý tưởng (như vẽ, tạo hình, nhiếp ảnh, video, khắc, in lụa, sử dụng công cụ kỹ thuật số,...)
Phát triển khả năng tự đánh giá - nhận xét về tác phẩm của bản thân
Quảng bá tác phẩm và giải thích quá trình thực hiện dự án.
Định vị tác phẩm trong bối cảnh lịch sử và xác định những giá trị thẩm mỹ của nó.
Sử dụng tài liệu để phát triển chuyên đề nghiên cứu của bản thân
Sử dụng các phần mềm xử lý hình ảnh (đồ họa máy tính, căn chỉnh bố cục, chỉnh sửa ảnh chụp, dựng phim,...)
Mục tiêu chương trình không chỉ đơn giản là giảng dạy cho sinh viên về lý thuyết và thực hành chuẩn xác một phương thức thể hiện nghệ thuật nhất định, mà hơn cả thế, là dạy cách làm sao để biến nghệ thuật thành một thành một mục tiêu theo đuổi chuyên nghiệp của sinh viên, chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí. Cùng với sự cập nhật thường xuyên về những hoạt động nghệ thuật đương đại, chương trình đào tạo cho sinh viên cách nhìn nhận, đối mặt và hòa nhập vào sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của nền văn hóa nghệ thuật và môi trường làm việc nghệ thuật chuyên nghiệp.
Con đường tiếp theo bậc học Cử nhân
Sau hai năm đầu tiên theo học bậc Cử nhân, bạn có thể đăng ký học Cử nhân Chuyên nghiệp (Licence Professionnelle), tại Rennes 2 cơ sở tại Rennes, sẽ có khoa Thiết kế Đồ họa Biên tập và Đa phương tiện (Licence Pro Design Editorial et Multimédia) nếu bạn có hứng thú với thiết kế đồ họa, bên cạnh đó, tại cơ sở Saint-Brieuc cũng có khoa Nghe-nhìn Kỹ thuật số (Licence Pro TAIS-CIAN). Chúng mình sẽ quay lại với các bạn trong các bài viết sau để cùng tìm hiểu kỹ hơn về hai chương trình này.
Bên cạnh đó, nếu bạn quyết định hoàn thành hết 3 năm Cử nhân Arts Plastiques và muốn tiếp tục học lên cao hơn tại trường, sẽ rất dễ dàng để đăng ký lên thẳng Thạc sĩ Nghiên cứu Arts Plastiques tại Rennes 2. Nếu việc giáo dục sư phạm khiến bạn quan tâm, thì bằng Thạc sĩ Sư phạm MEEF (Métiers de l’Enseignement, de l’Éducation et de la Formation) sẽ là thứ phù hợp so với bạn. Còn nếu bạn mong muốn theo học một chương trình Thạc sĩ Chuyên nghiệp với nhiều môn học thực hành, thì một vài chương trình dành cho bạn có thể là : Thạc sĩ Sáng tạo Kỹ thuật số (Création Numérique), Thạc sĩ Thiết kế - Chuyên môn ấn phẩm Kỹ thuật số và Thiết kế thông tin (Design - mention Édition Digitale et Design d’Information), Thạc sĩ Thiết kế - Thiết kế và Khoa học Xã hội (Design - parcours Design et Science Social), hoặc Thạc sĩ Kỹ thuật số và Phương tiện tương tác dành cho Điện ảnh (NUMIC). Tuy nhiên cần lưu ý là các khoa liên quan đến ngành Thiết kế thì không phải năm nào cũng mở.
Như đã nói trong các bài viết trước, với sinh viên nước ngoài, sau khi hoàn thành bậc Cử nhân Chuyên nghiệp, các bạn đã hoàn toàn có thể xin giấy tờ để đi làm. Ngoài các ngành nghề liên quan trực tiếp đến ngành học của bạn, bạn có thể làm ở các vị trí trợ lý cho các Chỉ đạo nghệ thuật hay trợ lý giám sát dự án nghệ thuật, tham gia đội hỗ trợ hoặc làm diễn giả/dẫn chương trình cho các hoạt động nghệ thuật.
Trong những phần sau của seri này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về chương trình học chi tiết, định hướng chính của từng năm học, cùng với đó là một vài tiết học thú vị mà mình đã tham gia. Cùng mình theo dõi hành trình này để hiểu hơn về Arts Plastiques nhé, và biết đâu đấy, bạn lại theo học ngành này trong tương lai thì sao?
*Nguồn tham khảo :
Plaquette Licence Arts Plastiques de Rennes 2
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Comments