top of page
Writer's pictureartplasrenseignement

Chức năng của Nghệ thuật



Nghệ thuật có tác dụng gì? Câu hỏi về chức năng của nghệ thuật trở nên nổi bật trong đề tài tranh luận này. Liệu nghệ thuật có thể được sử dụng để phản kháng lại chế độ chuyên chế, hay giúp đỡ chúng ta trở thành những người công dân tốt hơn? Plato chắc chắn đã nghĩ rằng việc chiêm nghiệm về cái đẹp có thể đưa bạn đến gần hơn với sự thật tối hậu. Tương tự, liệu nghệ thuật có thể dẫn bạn tới với sự thật về luân lý, giữa những cá nhân với nhau và cho toàn thể xã hội? Suy nghĩ của Schiller đã ủng hộ cho quan điểm trên, theo lời giải thích của Francis Akpata. Và Justin Kaushal cũng đã giúp chúng ta hiểu hơn suy nghĩ của Adorno về cách mà nghệ thuật cấp tiến có thể thay đổi nhận thức con người một cách khủng khiếp, và nhờ đó chống lại chủ nghĩa phát xít (và, đối với Adorno, là cả chủ nghĩa tư bản).

 

Trong số những điều khác nhau được đề cập, cuốn sách ‘Phê bình về sự phán xét’ năm 1790 của Immanuel Kant đã thể hiện mối quan tâm tới vẻ đẹp trong nghệ thuật. Kant đã lưu tâm đến cách chúng ta đưa ra những đánh giá, và một trong những câu hỏi lớn trong lĩnh vực nghệ thuật từng là “Tại sao và làm thế nào để chúng ta nhận định một tác phẩm nghệ thuật là đẹp”. Nhưng ngày nay cái đẹp không còn là trọng tâm chính của nghệ thuật nữa. Ít nhất, điều này một phần là do sự thay đổi về mặt chức năng của nghệ thuật.


Về cơ bản, ta có thể xem xét chức năng của nghệ thuật bằng việc nhìn xem ai trả tiền cho tác phẩm ấy. Ở phương Tây thời trung cổ, việc sử dụng nghệ thuật để tái hiện những ý tưởng tôn giáo đã được chi trả bởi Nhà thờ Công giáo - vì vậy chức năng của nghệ thuật trong trường hợp này là để tôn vinh các Đức Thánh và nhằm giáo dục phần lớn những con chiên thiếu thốn điều kiện học tập. Sau đó, tầng lớp quý tộc bắt đầu chi trả cho các nghệ sĩ nhằm phô trương sự giàu có, địa vị và học thức của họ qua các bức chân dung về bản thân. Sau nữa, các tầng lớp thương nhân tư sản giàu có đã trả tiền cho các tác phẩm nghệ thuật để sử dụng như những vật dụng trang trí, một lần nữa để khoe khoang về khiếu thẩm mỹ và địa vị.


Hiện tại, xu hướng dẫn đầu trong lĩnh vực nghệ thuật được quyết định bởi các phòng trưng bày, và các chức năng của nghệ thuật bao gồm khả năng đầu tư, thể hiện uy danh và bày tỏ sự đức hạnh. Mối quan tâm hàng đầu trong nghệ thuật, mà những nhà buôn tranh cao cấp hiện đang phải đối mặt, nằm ở khía cạnh marketing. Trong một thế giới quá tải thông tin như của chúng ta, việc giới thiệu các tác phẩm sáng tạo với công chúng và kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật thường là một vấn đề lớn hơn so với việc tạo ra các tác phẩm ấy. Nghệ thuật thuần túy đã phát triển trong nhiều thập kỷ để có thể đáp ứng nhu cầu này. Đây là lý do tại sao rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật mới mà chúng ta thấy tại các phòng triển lãm có mối liên hệ với sự khiêu khích hoặc khả năng gây sốc: cho dù đó là cái chết của những con cừu, những chiếc giường bẩn thỉu không được lau dọn hay những chồng cam tươi bạn hoàn toàn có thể ăn (tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự). Cảm giác choáng ngợp được cho là điều cần thiết nhằm thu hút sự chú ý trong thị trường hiện đại và sự thực đó có thể đúng với tình hình hiện tại. Ngoài ra, xu hướng nghệ thuật như hiện nay ngày càng thu hút những nghệ sĩ thích thực hiện các tác phẩm như vậy. Tạm xa những người nghệ sĩ tinh ranh kể trên, các nghệ sĩ tài năng trong đủ mọi loại hình nghệ thuật cống hiến toàn bộ tâm hồn họ vào những tác phẩm ít gây sốc hơn, nhưng bạn sẽ không thấy được hầu hết những tác phẩm ấy.


Trong thời kỳ hậu hiện đại này, cái đẹp chỉ là một trong số rất nhiều những lý tưởng được giới nghệ sĩ theo đuổi và việc coi trọng giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật này thậm chí được coi là mang hơi hướng của thế kỷ 18. Bởi vì những người kinh doanh và giám tuyển các tác phẩm nghệ thuật đang cạnh tranh với nhau nhằm phô diễn tính thời thượng của họ, nhu cầu nâng tầm nghệ thuật thuần túy để trở thành "xu hướng" đã làm lu mờ các giá trị nghệ thuật khác. Theo cách giải thích này, đặc điểm cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật bây giờ không phải là tính thẩm mỹ (aesthetics (noun) - /esˈTHediks/ : sự thẩm mỹ ) (aisthetikos là tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'cảm giác') hay cách tác phẩm làm thỏa mãn các giác quan- thứ từng được gọi là 'khiếu thẩm mỹ', thậm chí việc những ý tưởng được truyền đạt sâu sắc đến mức nào cũng không còn quan trọng nữa : điều được quan tâm hiện nay chính là tính mới lạ của tác phẩm. Nên có lẽ chúng ta không thể thực sự đổ lỗi cho giới nghệ thuật vì đã trao thưởng cho những gì mang tới sự khích động chứ không phải tài năng. Bởi ấy là điều cần thiết phải làm để họ có thể làm ăn.


Rất nhiều những phòng trưng bày hàng đầu dường như đồng tình rằng kỹ thuật tạo tác thượng thừa đã được minh chứng quá đủ trong suốt chiều dài lịch sử của nghệ thuật, vậy nên không thực sự cần thiết phải trình diễn lại các tác phẩm này chỉ vì chúng đẹp. Tuy nhiên, điều vẫn còn đem lại sự thú vị trong nghệ thuật chính là những khái niệm mà nó có thể tiếp tục khai phá. Bởi thế, hãy chỉ tập trung vào khái niệm, thứ có thể được coi là ý tưởng thời thượng nhất về nghệ thuật. Và điều này dẫn ta tới với ‘Nghệ thuật khái niệm’ - nơi mà các ý tưởng đứng đằng sau các tác phẩm nghệ thuật được thể hiện nổi bật hơn cả, chứ không phải kỹ thuật của người nghệ sĩ hay những hiệu ứng mang tính giải trí. Một tác phẩm không cần phải đẹp, cũng không cần phải cho thấy rõ rằng nó đã được thực hiện một cách tỉ mẩn chỉn chu; tác phẩm chỉ cần thể hiện được sự khôn khéo. Bài viết của Trevor Pateman đã phê bình một cách dí dỏm ý tưởng về cách tiếp cận đối với chủ nghĩa nghệ thuật này.


Cũng phải nói, môi trường trung gian giúp truyền đạt những ý tưởng một cách rõ ràng nhất có lẽ chính là ngôn ngữ. Điều này sẽ làm cho tiểu thuyết trở thành hình hài tối thượng của một tác phẩm nghệ thuật theo chủ nghĩa khái niệm.


Văn học giả tưởng thường được cho là tạo nên những viễn cảnh không có thật nhằm truyền đạt một sự thật được ẩn sâu hoặc để khám phá những câu hỏi sâu xa hơn. Ta có thể xem xét một số câu hỏi sâu sắc về vấn đề này, bao gồm một trong những câu hỏi nền tảng nhất: Hạnh phúc là gì và làm thế nào chúng ta có thể đạt được nó? Vincent Kavaloski đã đào sâu vào cách nghi vấn này được đặt làm câu hỏi trong những cuốn tiểu thuyết của Leo Tolstoy. Thực vậy, các tiểu thuyết gia thường đi tìm các ý tưởng đạo đức thông qua những cuộc khủng hoảng và tình huống khó xử mà nhân vật của họ phải trải qua, và hành trình khám phá hạnh phúc của Tolstoy rõ ràng nằm trong thể loại này. Nhưng tiểu thuyết cũng có thể tạo ra những kết nối mang tính triết học theo những cách khác. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi chú ý tới cách trực giác chiến đấu với lý trí trong Sherlock Holmes, các chủ đề triết học khác nhau trong Tên Của Đóa Hồng, và bao gồm cả bộ dụng cụ cạo râu siêu hình nổi tiếng của William xứ Ockham.


Sự thâm thúy và sự tự phản ánh là hai trong số những phẩm chất quyết định của một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, vì vậy nghệ thuật có thể giúp khám phá các chủ đề triết học một cách mạnh mẽ. Rất nhiều những bài viết về vấn đề này cho thấy một số suy nghĩ về nghệ thuật trong quá khứ có thể được áp dụng lại vào các vấn đề đương đại: chúng không chỉ giúp tìm kiếm niềm hạnh phúc, mà còn chống lại các xu hướng xã hội không mong muốn và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong chủ đề này, thiết nghĩ độc giả hẳn sẽ nhận thấy được rằng, triết học công nhận sự hữu ích của văn học và các loại hình nghệ thuật khác cho cuộc sống trong thời đại thừa mứa thông tin nhưng thiếu sự tinh lọc của chúng ta.


Bản thân tác giả cũng xin đề cập đến hai bài báo có quan điểm khác nhau về lý thuyết lịch sử của Hegel. Tôi thấy Hegel là một triết gia thú vị không phải vì tôi nghĩ ông ấy đã đúng về cách lịch sử vận ​​hành, mà chỉ vì ông ấy sở hữu một lý thuyết có tính hệ thống về lịch sử loài người. Đối với tôi, đây là thể loại đề tài đầy tham vọng và mang tính nền tảng, mà các nhà triết học nên để tâm tới.


Ngoài ra còn có một đề tài về "nhận thức so với thực tế" nằm rải rác trong vấn đề được bàn luận ở đây - về một chủ đề căn bản mà ngài Kant vĩ đại một lần nữa có rất nhiều điều để nói.


.


Bài viết gốc “The Functions of Art” bởi Grant Bartley, đăng tải trên Tạp chí Philosophy Now, số 129. Lược dịch bởi Artplas


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas



Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page