top of page
Writer's pictureartplasrenseignement

Các mô hình trường học Nghệ thuật tại Pháp

Updated: Jul 29, 2021





Khi nhắc tới việc học Nghệ thuật tại Pháp, người ta thường nghĩ đến những trường Tư thục với học phí đắt đỏ, trong đó bao gồm các mô hình trường Tư về Mỹ thuật hay Thời trang nổi tiếng như Paris College of Art hay ESMOD với học phí lên tới 10 000€ mỗi năm, hay thậm cho mỗi kì học, hoặc, nếu không phải học phí đắt, thì sẽ là những trường Công lập quốc gia với những bài kiểm tra đầu vào vô cùng gắt gao và số lượng học sinh nước ngoài có thể đỗ được chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù học phí chỉ 750€ mỗi năm. Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn là như vậy.


Với chương trình học Bac+2 tới Bac+5 (từ là học từ 2 đến 5 năm sau khi tốt nghiệp cấp 3), mô hình giáo dục về nghệ thuật tại Pháp được chia ra làm 6 hệ thống lớn :

  1. Trường Mỹ thuật Quốc gia - École du Beaux-art

  2. Trường đào tạo cao cấp Nghệ thuật Quốc gia - École National Supérieurs d’Art (ENSA)

  3. Trường đào tạo cao cấp Nghệ thuật Ứng dụng - École Supérieur d’Arts Appliqués (ESAA)

  4. Trường trực thuộc Viện di sản Quốc gia - École du Patrimoine

  5. Nhạc viện - Conservatoire

  6. Trường Tư thục Nghệ thuật Ứng dụng - École Privée d’Arts Appliqués


Hầu hết các mô hình giáo dục kể trên đều yêu cầu học viên đã có kiến thức và kĩ năng cơ bản về nghệ thuật, bởi vậy các trường đều bắt buộc ứng viên phải trải qua ít nhất 1 năm học dự bị để có thể đăng kí nhập học chính thức. Về cơ bản, sau khi học 3 năm tại trường, bạn có thể tốt nghiệp với bằng DNA - Diplôme National d'Arts, còn nếu tiếp tục học thêm 2 năm để lên Bac+5, bạn sẽ nhận được bằng DNSEP.


Ưu điểm của mô hình tiêu chuẩn về Nghệ thuật này là khi đi học, bạn sẽ có thời gian thực tập dài để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, so với các hướng tiếp cận khác (mà sẽ được nhắc đến ở phần sau), với danh tiếng của các trường chuyên Nghệ thuật, khả năng bạn có thể nhận được thực tập là cao hơn. Với mô hình tiêu chuẩn này, thời gian các tiết học thực hành nghệ thuật cũng nhiều hơn, giúp kĩ thuật của các bạn có khả năng phát triển nhanh trong thời gian ngắn.


Về phần nhược điểm, như đã được nhắc tới ở phần đầu, thì hầu hết các trường Tư thục sẽ có học phí đắt, và các trường Công lập thì có hình thức thi tuyển đầu vào gắt gao, khó khăn với cả chính người bản địa.


Nhưng, hệ thống chuyên về giáo dục Nghệ thuật không phải là con đường duy nhất để các bạn có thể theo ngành này tại Pháp. Bên cạnh các école, chúng ta còn có hệ thống DN MADE - Diplôme National des Métiers d’Art et Du Design và phân ngành Arts Plastiques tại các trường Đại học Quốc gia dưới dạng Bac +3. Yếu điểm có lẽ là duy nhất của chương trình Đại học Quốc gia (Université) so với mô hình École, là thời gian thực hành nghệ thuật không nhiều, và số lượng đồ án lớn phải trả trong năm có phần ít hơn so với École.


Tại hai mô hình này, các bạn vẫn có thể được tiếp cận một chương trình giáo dục về Nghệ thuật đầy đủ và hấp dẫn, với mức học phí không cao, chỉ khoảng 350€ mỗi năm và thậm chí có thể là miễn phí. Hơn cả, yêu cầu xét tuyển đầu vào của DN MADE và Université thấp hơn rất nhiều so với các trường Nghệ thuật Công lập. Nếu xét tuyển từ Việt Nam, bạn thậm chí không cần một bảng điểm quá đẹp để có thể vào ngành. Tuy nhiên, vẫn cần phải chuẩn bị cho mình một portfolio và một bức thư động lực chỉn chu. Và, với chương trình học nghệ thuật, bằng DELF tiếng Pháp trình độ B2 là bắt buộc.


Trong những bài viết tiếp theo, chúng mình sẽ đi sâu hơn vào chương trình học DN MADE và Université, để bạn có thể có cái nhìn trực quan hơn về những kiến thức trong giáo trình.


Cuối bài, mình xin phép dịch một đoạn trên Wikipedia, so sánh chương trình học của các khoa Arts Plastiques và Arts Visuels tại các trường Đại học với các trường École :


“Các khoa Arts Plastiques và Arts Visuels ở trường Đại học khác với các trường École ở phương pháp giáo dục. Sự hiệu quả của phương pháp giáo dục tại Đại học nằm ở lượng tri thức và phương pháp giải thích hợp lý các vấn đề. Nhìn chung, các tiết học về kỹ năng thực hành và kỹ thuật, ví dụ như vẽ, phối cảnh, bố cục, điêu khắc hay thậm chí là nhạc cụ, không được quá coi trọng vì vấn đề ngân sách hoạt động cũng như thời lượng mỗi tiết học không phù hợp với các khóa học thực hành. Đặc điểm của mô hình giáo dục đại học là sự thoải mái tự do cho sinh viên và giáo viên, dễ tiếp cận vì không phải thi đầu vào, và khả thi nếu bạn có mong muốn tìm hiểu sâu về mặt lý thuyết.”


Không phải cứ trả học phí ít hơn là chương trình học của bạn sẽ không tốt bằng những chương trình học đắt tiền, mình tin là như vậy sau suốt quãng thời gian mà mình đã bỏ ra ở trường đại học. Điều quan trọng là chúng ta có đầy đủ thông tin để tìm cho mình một môi trường phù hợp, một ngôi trường phù hợp, để phát triển thêm tất cả những kĩ năng mà chúng ta đang sẵn có và khám phá thêm những kĩ năng mới mà chúng ta chưa biết.


Hy vọng rằng với Artplas, các bạn có thể tìm được cho bản thân một câu trả lời thích hợp nhất.



*Nguồn tham khảo:

Diplomeo, Onisep, Wikipedia.


.


Find us on :

Facebook : @theartplas

Instagram : @theartplas






Recent Posts

See All

Comentários


Post: Blog2 Post
bottom of page