Nghệ thuật và Thiết kế là hẳn là hai phạm trù chính mà các bạn đọc của Artplas quan tâm phải không? Cuộc tranh luận giữa thế nào là Nghệ thuật, thế nào là Thiết kế, và tương quan giữa Nghệ thuật và Thiết kế chắc không còn gì lạ lẫm đối với mọi người nữa. Với các bạn trẻ Việt hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa nắm rõ khái niệm về hai phạm trù này, dẫn đến nhiều hiểu nhầm khi thảo luận - tranh luận cũng như áp dụng khái niệm sai trường hợp, ngữ cảnh trò chuyện. Ngày hôm nay, Artplas xin được phép lược dịch bài viết “The Difference Between Art & Design” của tác giả John O’Nolan - một trong nhiều những tác giả có cùng quan điểm với Artplas trong vấn đề này. Còn bạn nghĩ sao? Hãy cùng đọc bài dịch này và chia sẻ quan điểm của bạn với chúng mình bên dưới phần comment nhé.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA ART VÀ DESIGN
bản gốc đăng ngày 21.09.2009, tại Webdesignerdepot bởi John O’Nolan
Điều gì giúp phân tách Nghệ thuật và Thiết kế là một câu hỏi phức tạp và được tranh luận sôi nổi bấy nay. Nghệ sĩ và designer đều tạo ra những sản phẩm hình ảnh dựa trên cùng một nguồn hiểu biết như nhau, nhưng lý do họ tạo ra chúng lại hoàn toàn khác biệt. Một vài designer tự coi mình như nghệ sĩ, nhưng lại chẳng có nhiều nghệ sĩ coi mình là designer. Vậy điểm khác nhau giữa Nghệ thuật và Design chính xác là gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét và so sánh một vài nguyên tắc chủ chốt của từng loại hình.
Đây là một chủ đề mà mỗi người lại có một ý kiến chủ quan mạnh mẽ, nên thật hy vọng có thể đọc được nhiều quan điểm khác nhau ở phần bình luận. Bài viết dưới đây không phải một bản hướng dẫn có tính tối ưu, thay vào đó, có thể được coi là điểm khởi đầu cho một cuộc đàm luận, nên hãy đọc với một suy nghĩ cởi mở nhé!
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỐT TRUYỀN CẢM HỨNG. MỘT THIẾT KẾ TỐT TRUYỀN ĐỘNG LỰC.
Có lẽ điểm khác nhau cơ bản nhất giữa nghệ thuật và thiết kế mà chúng ta có thể cùng thống nhất ý kiến, đó chính là mục đích của chúng.
Thông thường, quá trình tạo ra một tác phẩm nghệ thuật bắt đầu từ con số không, một khung tranh trơn trắng. Tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ một góc nhìn hoặc quan điểm cá nhân, hoặc một cảm xúc từ chính bên trong bản thân người nghệ sĩ. Họ tạo ra nghệ thuật để chia sẻ cảm xúc của chính bản thân mình với mọi người, khiến người xem có thể cảm thấy đồng cảm, học được từ đó và được truyền cảm hứng. Phần lớn những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng (và thành công) ngày nay là những tác phẩm có thể tạo nên một kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa nghệ sĩ và người xem.
Ngược lại, khi một designer bắt đầu tạo một tác phẩm mới, họ gần như luôn có một điểm xuất phát nhất định nào đó, ví như một thông điệp, một hình ảnh, một ý tưởng hoặc một hành động. Công việc của một designer không phải là sáng tạo ra một thứ gì hoàn toàn mới, mà là tìm cách truyền tải một điều gì đã tồn tại từ trước, vì một mục đích nhất định. Mục đích ấy gần như luôn luôn là thúc đẩy người xem làm một điều gì đó : mua một sản phẩm, sử dụng một dịch vụ, tham quan một địa điểm, học thêm một vài thông tin. Những thiết kế thành công nhất là những thiết kế đạt hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp của nó và truyền động lực thúc đẩy người tiêu dùng thực hiện hành động mục tiêu.
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỐT CÓ NHIỀU CÁCH DIỄN GIẢI. MỘT THIẾT KẾ TỐT CÓ THỂ ĐƯỢC HIỂU MỘT CÁCH TRỌN VẸN.
Một điểm khác nhau nữa giữa nghệ thuật và design chính là cách mà thông điệp chúng thể hiện được diễn giải bởi từng người xem tương ứng.
Dù rằng tác phẩm của một nghệ sĩ được làm ra để truyền tải một quan điểm hoặc một cảm xúc, thì điều ấy không đồng nghĩa với việc quan điểm hoặc cảm xúc ấy chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Nghệ thuật kết nối con người bằng nhiều cách khác nhau, bởi vì nghệ thuật có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Bức họa Mona Lisa của Da Vinci được diễn giải và bàn luận về trong hằng trăm năm nay. Vì sao nàng lại cười vậy nhỉ? Các nhà khoa học giải thích rằng đó chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi tầm nhìn ngoại biên của người xem. Những kẻ lãng mạn nói nàng đang yêu. Những kẻ hoài nghi nói rằng chẳng vì lý do gì. Và chẳng một ai trong số họ là sai cả.
Design thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều người thậm chí nói rằng, nếu một thiết kế có thể được “diễn giải theo nhiều cách khác nhau”, thì tức là nó đã thất bại trong việc thực hiện mục đích của nó. Mục đích cơ bản của một thiết kế là để truyền tải thông điệp và thúc đẩy người xem làm một điều gì đó. Nếu một thiết kế truyền đi một thông điệp sai khác so với thông điệp mà đáng ra nó nên truyền tải, và người xem làm điều gì đó dựa theo thông điệp sai lệch ấy, tức là thiết kế đã không hoàn thành nghĩa vụ của nó. Với một thiết kế tốt, thông điệp chính xác mà designer muốn gửi đi phải được hiểu trọn vẹn bởi người xem.
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỐT HAY KHÔNG LÀ THEO GU THẨM MỸ CÁ NHÂN. MỘT THIẾT KẾ TỐT HAY KHÔNG LÀ THEO QUAN ĐIỂM.
Nghệ thuật được đánh giá bởi quan điểm, và quan điểm được định hình bởi gu thẩm mỹ chủ quan.
Đối với một người đam mê nghệ thuật hiện đại có tư tưởng tiến bộ, tác phẩm “My Bed” của Tracey Emin, được đưa vào danh sách đề cử cho giải thưởng Turner năm 1999, có thể được coi là đỉnh cao của phương thức biểu đạt nghệ thuật. Đối với một người thích nghệ thuật phong cách truyền thống, đây có thể bị coi là một sự xúc phạm đối với loại hình này. Điều này lại quay ngược trở lại về luận điểm trước của chúng ta về sự đa dạng diễn giải, nhưng gu thẩm mỹ cá nhân chủ yếu là ý kiến chủ quan của mỗi người về việc thích hay không thích chứ không chú trọng vào thông điệp mà họ nhận được từ tác phẩm.
Design là một nhân tố thuộc về gu thẩm mỹ, nhưng sự khác biệt giữa một thiết kế tốt và một thiết kế tệ chủ yếu là một vấn đề về quan điểm. Một thiết kế tốt vẫn thành công dù nó không hợp với gu thẩm mỹ của bạn. Nếu nó hoàn thành được mục đích, được thấu hiểu trọn vẹn và thúc đẩy người ta làm ra hành động mục tiêu, thì việc nó có tốt hay không là do quan điểm của mỗi người.
Chúng ta có thể thảo luận về điểm này sau, nhưng hy vọng mọi người có thể hiểu rõ những ý kiến cơ bản nhất.
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỐT LÀ DO TÀI NĂNG. MỘT THIẾT KẾ TỐT LÀ DO KỸ NĂNG.
Vậy còn khả năng của người tạo tác thì sao?
Thông thường, một nghệ sĩ thường có khả năng thiên phú. Đương nhiên, từ khi còn nhỏ, người nghệ sĩ đã thực hành việc vẽ, điêu khắc,... và dần phát triển khả năng của bản thân từ đó. Nhưng nhìn chung, giá trị thật sự của một người nghệ sẽ là tài năng (hay khả năng thiên phú) của họ. Đương nhiên vẫn còn một điểm nữa cần nhắc tới : những người nghệ sĩ tốt buộc phải có kỹ năng, nhưng kỹ năng nghệ thuật tốt mà không có tài năng thì, có thể nói là, không có giá trị.
Design, ngược lại, là một kỹ năng có thể dạy được và học được. Bạn không cần phải là một nghệ sĩ đại tài để trở thành một designer bất hủ ; bạn chỉ cần có khả năng hoàn thành được các mục tiêu của một thiết kế. Một trong những nhà thiết kế được kính trọng nhất trên thế giới được biết tới bởi phong cách tối giản của họ. Họ không dùng quá nhiều màu sắc hay texture, nhưng tập trung nhiều hơn vào kích thước, bố cục, và khoảng cách, và tất cả những điều ấy có thể học được mà không cần tài năng bẩm sinh nào.
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỐT GỬI TỚI MỖI NGƯỜI MỘT THÔNG ĐIỆP. MỘT THIẾT KẾ TỐT GỬI CÙNG MỘT THÔNG ĐIỆP TỚI MỌI NGƯỜI.
Đây lại là điều lặp lại của điểm hai, về đa dạng diễn giải và sự dễ hiểu. Nhưng nếu chỉ có thể trích ra duy nhất một điều từ bài viết này, hãy chọn điều này.
Nhiều designer tự coi mình là nghệ sĩ vì họ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn mắt nhìn người xem, một sản phẩm mà họ có thể cảm thấy tự hào khi được người ta treo lên tường và chiêm ngưỡng. Nhưng khi một sản phẩm hình ảnh có chủ ý hoàn thiện một nhiệm vụ duy nhất hay chỉ truyền tải duy nhất một thông điệp, thì dù có đẹp tới bao nhiêu, đó cũng không phải là nghệ thuật. Ấy chỉ là một phương thức biểu đạt, một cánh cửa sổ mở ra thông điệp mục tiêu.
Một vài nghệ sĩ tự gọi mình là designer bởi có lẽ họ hiểu hơn về sự khác nhau giữa hai phạm trù. Một người nghệ sĩ không tạo ra những tác phẩm nghệ thuật với mục tiêu bán sản phẩm hay quảng cáo một dịch vụ. Họ tạo ra chúng chỉ để thể hiện bản thân mình, để điều ấy được chiêm ngưỡng và đánh giá bởi những người xung quanh. Thông điệp truyền tải, ta có thể tạm gọi là vậy, không phải bất cứ điều chính xác nào, mà hơn hết, chính là cảm xúc.
BẠN NGHĨ GÌ?
Sự khác nhau giữa nghệ thuật và design có thể rõ ràng hoặc mơ hồ, tùy theo cách bạn nhìn nhận vấn đề. Hai phạm trù hẳn có nhiều điểm tương tự, nhưng nghệ thuật có tính cá nhân nhiều hơn, khơi gợi nhiều phản ứng mạnh mẽ với những ai có liên kết chặt chẽ với chủ đề tác phẩm.
Bài viết xin được phép trích lời Craig Elimeliah, một người đã từng nhắc đến chủ đề này trong một bài viết tuyệt vời trên AIGA mà tôi đã tìm thấy trong quá trình nghiên cứu để viết bài viết này.
“Tôi không tự coi bản thân là chuyên gia trong việc định nghĩa điều gì là nghệ thuật và điều gì không, nhưng tôi biết rằng nếu ta nhìn vào sự khác nhau giữa nghệ thuật và design, ta có thể thấy một lằn ranh rõ ràng giữa chúng.
Một người kỹ sư, được cung cấp tọa độ chính xác để đặt các điểm màu ở những vị trí nhất định, có thể tạo ra một trang web hoặc một quảng cáo tuyệt đẹp, chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn ; phần lớn các dự án thiết kế đã có sẵn một bộ hướng dẫn chi tiết và phần lớn các thiết kế thường dựa theo những xu hướng và ảnh hưởng mang tính thời đại.
Một người nghệ sĩ, mặt khác, không bao giờ dựa trên bất cứ hướng dẫn cố định nào để tạo ra những tác phẩm mới mẻ, vừa hỗn loạn lại độc đáo, bởi chính những cảm xúc và tâm hồn của người nghệ sĩ ấy là thứ điều khiển chuyển động của bàn tay họ, và quyết định họ sẽ sử dụng hình thái nghệ thuật ấy như thế nào. Không một người chỉ đạo nghệ thuật nào lại hét vào mặt một người nghệ sĩ vì người ấy làm ra một thứ gì độc nhất vô nhị chẳng giống một ai, bởi ấy mới là điều làm nên một người nghệ sĩ, mà không phải một nhà thiết kế.”
* Nguồn đọc thêm và tham khảo :
Art and Design: What’s the Big Difference – Michael Brady, Critique Magazine: 1998.
Mona Lisa Smile: Secrets Revealed – BBC, 2003.
The Turner Prize – Tate Britain, 2008.
Tracy Emin – Wikipedia, 2009.
Talent vs. Skill and Experience – Acland Brierty, 2005.
Art vs. Design – Craig Elimeliah, AIGA, 2006.
.
Bài gốc : “The Difference Between Art & Design” bởi John O’Nolan
Bản dịch bởi Artplas
.
Find us on :
Facebook : @theartplas
Instagram : @theartplas
Bài viết tràn đầy ý nghĩa, đọc xong giờ e đã phân biệt được đâu là nghệ thuật, đâu là thiết kế
i like how art = serifs and design = sans-serifs
bài viết này hay quá. Cám ơn ạ